Tiết lộ kế hoạch giảm “tắc đường” cho HOSE
Cập nhật: 25/03/2021
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
Giá vàng hôm nay 23/1: Vàng miếng và vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
VOV.VN - Theo ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc của HOSE, khó có giải pháp tình huống nào mang tính chất trọn vẹn, do đó, rất có thể sẽ phải áp dụng nhiều giải pháp một lúc (nâng lô, chuyển giao dịch HNX…) sẽ có thể giúp giảm tải cho hệ thống.
Có hay không “đường lệnh riêng”?
Thời gian gần đây, tình trạng nghẽn lệnh, “tắc đường” khi không thể đặt lệnh mua cổ phiếu dù giá đặt cao hơn mức giá nhìn thấy trên bảng giá tại HOSE liên tục diễn ra khiến các nhà đầu tư bức xúc. Tuy nhiên, việc vẫn có hàng nghìn cổ phiếu được khớp khiến giới đầu tư đặt nghi vấn về việc có hay không "đường lệnh riêng" và phân biệt giữa các công ty chứng khoán thành viên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của VTV hôm nay (25/3), ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có một số chia sẻ về tình trạng nghẽn lệnh hiện nay tại HOSE và những giải pháp khắc phục.
Theo ông Lê Hải Trà, hiện nay, có 74 công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên của HOSE và tác động của việc nghẽn lệnh đến mỗi công ty là không giống nhau. Các CTCK trong Top 20, 30 vốn dĩ là các CTCK có thị phần lớn, có số lượng lệnh giao dịch lớn nhất trên thị trường thì sẽ chịu tình trạng bị quá tải sớm nhất trên thị trường.
“Điều này liên quan đến thiết kế và thuật toán về mặt phân bổ lệnh của hệ thống giao dịch hiện tại. Ở đây chúng tôi muốn nói một điều rất rõ ràng, là cơ chế phân bổ lệnh đó là thuộc tính của thiết kế và tính năng của hệ thống giao dịch. Đó là điều mà hiện nay đội ngũ IT của chúng ta không thể can thiệp để có thể thay đổi”, ông Lê Hải Trà cho biết.
Đối với các CTCK nhỏ hơn, khi lượng lệnh phân bổ gần 3.000 lệnh cho họ ngay từ đầu ngày có thể họ chưa dùng hết. Do vậy, khi mà tình trạng nghẽn diễn ra ở một số công ty chứng khoán lớn thì tại một số các công ty chứng khoán nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường.
“Top của 20, 30 các CTCK đã chiếm hơn 90% thị phần. Nếu tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện, lúc đó các giao dịch nhỏ khác của các CTCK nhỏ khi vào hệ thống và được khớp đi chăng nữa thì cũng khó thay đổi được giá trị các chỉ số. Ví dụ, như VN-Index của 400 công ty, trong đó chỉ những lệnh nhỏ vào sẽ không thể nào tác động đến rổ chỉ số đó một cách rõ nét, do đó, khó có thể làm cho chỉ số nhảy bật lên được”, ông Lê Hải Trà giải thích.
"Kế hoạch 100 ngày" giảm nghẽn cho HOSE
Để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh, theo ông Lê Hải Trà, khi tính đến việc nâng lô giao dịch, điều cần lưu ý là khoảng thị giá. Làm sao để xác định thị giá nào áp dụng lô 1.000 và thị giá nào vẫn là lô 100.
“Theo tính toán của chúng tôi, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 chúng ta sẽ giảm được khoảng 40 đến 50 % số lượng lệnh, nghĩa là hệ thống chúng ta gần như tăng gấp đôi. Giả sử chúng ta dùng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu để ngăn cách. Áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HOSE sẽ giảm được cỡ khoảng hơn 20% số lượng lệnh”, ông Trà nói.
CEO của HOSE cho rằng, khó có giải pháp tình huống nào mang tính chất trọn vẹn. Vậy nên, rất có thể sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp tình huống cùng một lúc (nâng lô, chuyển giao dịch HNX…), mỗi thứ đó sẽ đỡ một chút thì có thể sẽ giúp cho việc quá tải của hệ thống được giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Liên quan đến hệ thống giao dịch dự phòng do HSX và FPT xây dựng, theo ông Lê Hải Trà, đây là một giải pháp sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại Hà Nội và sẽ triển khai trên một nền tảng hạ tầng tại TPHCM để có thể thay đổi hệ thống khớp lệnh của HSX: “Với tất cả những phân tích, đánh giá, khảo sát cụ thể thì FPT đang tự tin đưa ra một giải pháp đâu đó khoảng 3 đến 4 tháng. Hiện nay chúng tôi đang đặt một cái kế hoạch tương đối là tham vọng. Chúng tôi gọi là kế hoạch 100 ngày. Dự kiến khoảng một tuần hay 10 ngày nữa thì có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm phiên bản đầu tiên”. Tuy nhiên, ông Trà cũng cho biết, đây chỉ là phiên bản thử nghiệm nội bộ để đảm bảo tính trôi chảy của hệ thống.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán, đồng thời, có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TPHCM trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán./.
Từ khóa: chứng khoán, nghẽn lệnh, HOSE, ông Lê Hải Trà, nhà đầu tư chứng khoán
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN