Tiếp nối cha ông trong giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam

Cập nhật: 15/11/2024

VOV.VN - GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng "cần tổng kết quá khứ và tìm ra được triết lý, tinh thần kiến trúc của cha ông ta và trả lời câu hỏi tại sao nó tồn tại bao nhiêu năm, để những người sáng tạo hôm nay không lặp lại quá khứ”.

Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại” tổng kết giai đoạn 1 (2022-2024) đề tài “Bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam thực hiện với 5 mục tiêu chính: Xây dựng danh mục công trình kiến trúc quan trọng cần gìn giữ, bảo tồn, bước đầu hình thành hệ thống dữ liệu kiến trúc Việt Nam; Định hướng, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong phát triển kiến trúc đương đại, cũng như một số lĩnh vực khác liên quan; Xây dựng các nguyên tắc và bộ dữ liệu tham khảo trong khai thác, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống cho 5 loại công trình phổ biến (nhà ở, công trình văn hóa/công trình tôn giáo, công trình hành chính, công trình giáo dục, công trình nghỉ dưỡng); Quảng bá, kết nối ra quốc tế các giá trị đặc sắc của kiến trúc bản địa Việt Nam trong tiến trình hội nhập; Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tại hội thảo, đại diện 5 nhóm  tác giả lần lượt trình bày kết quả nhận diện, khảo cứu, khảo sát, chọn lọc giá trị/ công trình tiêu biểu qua các thời kì: Truyền thống; Thời Pháp thuộc; Giai đoạn 1954-1986 tại miền Bắc; Giai đoạn 1954-1986 tại miền Nam; Giai đoạn 1986 đến nay. Qua đó, các diễn giả đã khẳng định: Bản sắc kiến trúc dân tộc đã được truyền tải vào những dáng hình cấu trúc, cách thức tổ chức không gian, tập quán sinh hoạt của người Việt. Kinh nghiệm khai thác, phát huy tiếp biến giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc mới đã được nhìn thấy từ nửa đầu thế kỷ XX.

Thời kỳ hiện đại, kiến trúc Việt Nam vẫn luôn đề cao sự tôn trọng và hài hòa với môi trường, văn hóa và đời sống bản địa/truyền thống. Tuy vậy, nhìn vào kiến trúc đương đại Việt Nam hiện nay, chúng ta đang thấy nhiều công trình khai thác những biểu hiện hình thức, hoặc tệ hơn là sao chép, cóp nhặt những kiến trúc của quá khứ mà chưa làm rõ được “tinh thần Việt” trong các công trình kiến trúc.

TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân, đồng Chủ nhiệm đề tài cho rằng: “Nền kiến trúc Việt Nam tuy có các yếu tố cốt lõi, song chưa được đánh giá, chọn lọc, liên kết, phát triển để có thể tạo lập rõ nét hơn bản sắc Việt trong bối cảnh hội nhập hiện đại. Cần có những nghiên cứu, chính sách, giải pháp khuyến khích, thúc đẩy xu hướng thiết kế theo hình thức hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố truyền thống Việt, kết hợp chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và áp dụng những công nghệ tiên tiến, bền vững, tiết kiệm năng lượng, kiến tạo môi trường sống ngày càng bền vững hơn, đậm tính nhân văn và bản sắc Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm quốc tế của kiến trúc thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã được tổng kết và khẳng định: Chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mới tạo lập được bản sắc kiến trúc và đô thị”.

Ghi nhận những kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm tác giả, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: khi nói đến công trình cần phải nói đến tác giả- những người sáng tạo, truyền tải tư tưởng, tinh thần với những suy nghĩ đau đáu về tác phẩm của mình. “Triết lý của họ là gì? Họ đang manh nha điều gì? Hãy xem các công trình của họ, sẽ thấy con đường đi của họ như thế nào? Tôi nghĩ đến cái gì trong tư chất của con người ấy tạo ra công trình, nếu cộng lại sẽ thành kiến trúc Việt Nam. Đương nhiên kiến trúc rất đa dạng nhưng từ triết lý sáng tạo ấy sẽ có nhiều phong cách”, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nói.

Ông cũng khẳng định: "Việc phân chia các giai đoạn phát triển của kiến trúc Việt Nam chỉ mang tính kĩ thuật, nhưng các thể loại công trình chuyển hóa như thế nào, thông qua từng thế hệ tác giả- người sáng tạo ra sao là điều đáng lưu tâm, để từ đó thấy được xu hướng thiết kế công trình. Bên cạnh đó, cần có góc nhìn toàn diện, thậm chí cả những sai sót của quá khứ".

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính góp ý cho nhóm nghiên cứu: cần củng cố thật chắc khái niệm “Truyền thống”. “Truyền thống” là sản phẩm của cái gì, được ước định bởi điều gì, quán tính của truyền thống ở đâu?… “Bưng bê kiến trúc truyền thống vào hiện đại là điều không tưởng, chỉ có thể tiếp nối. Vì kiến trúc truyền thống của chúng ta là gỗ, làm sao “bưng bê” được kiến trúc gỗ vào bê tông cốt thép?Người ta chỉ có thể “bưng bê” bằng cách chuyển hóa mềm, bằng cảm thức”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Như vậy, cần có cách tiếp cận với những giá trị truyền thống với những gì đang được tiếp nối trong đời sống hôm nay. TS.KTS Nguyễn Trí Thành, Phó trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội góp ý: "Tiếp cận truyền thống không phải như những “xác ướp” mà là một cái gì đó đang sống, đang tiếp tục. Câu chuyện truyền thống từ kiến trúc đang thay đổi được chứ không phải ở những công trình được cho vào danh sách di tích, di sản hay thậm chí bị “đóng băng”, không phát triển được nữa”. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cần chỉ ra được sự tiếp nối từ xưa đến nay, cách thức như thế nào, liên quan đến câu chuyện tư duy sáng tạo của kiến trúc sư, chứ không phải chỉ trên thực thể kiến trúc".

Từ khóa: kiến trúc, kiến trúc,truyền thống Việt Nam,Tiếp nối cha ông,Nguyễn Quốc Thông,văn hóa,quá khứ,Nguyễn Quốc Tuân,hội thảo,Truyền thống từ góc nhìn kiến trúc đương đại

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: phương thúy/vov6

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập