Tiếng nói Việt Nam - Sứ mệnh lớn trong hoàn cảnh đặc biệt

Cập nhật: 06/09/2021

Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN.

Đất nước đang trải qua một năm với nhiều sự kiện trọng đại và cũng đầy biến động. Thông tin những tư tưởng chỉ đạo và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 là dòng chủ lưu trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN). Dịch bệnh Covid-19 toàn cầu chưa có tiền lệ, gây ra nhiều biến động lớn về kinh tế - xã hội; các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh của hệ thống chính trị cả nước đang từng giờ được truyền thông trên tất cả các kênh, sóng của Đài TNVN. Tiếng nói Việt Nam có sứ mệnh lớn trong hoàn cảnh đặc biệt, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước tiếp tục phát triển trong điều kiện bình thường mới. Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đài TNVN (7/9/1945 - 7/9/2021), Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN.

Thưa đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, năm 2021 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV, Chính phủ mới nhiệm kỳ khóa XV. Sau thành công của những sự kiện đó, Đài TNVN có chiến lược tuyên truyền như thế nào để tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội?

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra một điểm rất mới và cũng là điểm nhấn quan trọng cho đất nước thời gian tới. Đó là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng này được cụ thể hoá bằng những mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tầm nhìn trong những thập kỷ tiếp theo. Tôi nhớ lại không khí thảo luận sôi nổi trong những ngày diễn ra Đại hội để đi đến những quyết nghị quan trọng ghi trong Nghị quyết là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết Đại hội cũng định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có một số chỉ tiêu rất quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000USD, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số, tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi.

Thể chế hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã nhất trí thông qua các Nghị quyết về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động. Theo đó, Chính phủ đưa ra 13 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; kiên định mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; Huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhắc lại những điều này cũng chính là nhắc lại những điểm nhấn hết sức quan trọng trong công tác thông tin, truyền thông của Đài TNVN trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đài TNVN đã chủ động lên kế hoạch và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trước, trong và sau các sự kiện trọng đại này trên cả 4 loại hình là phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in. Phát huy sức mạnh của một cơ quan báo chí có bề dày kinh nghiệm và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, phóng viên, Đài đã xây dựng một chiến lược tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình với những câu hỏi thường trực là Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống như thế nào, nhân dân tiếp nhận tinh thần đó ra sao? Chương trình hành động của Chính phủ được triển khai trên thực tế như thế nào? Trong quá trình triển khai có những bất cập gì, cần điều chỉnh hay không? Có những bài học, mô hình hoặc kinh nghiệm hay trong việc triển khai tại các địa phương, đơn vị.

Đài TNVN luôn ý thức rằng, thực tiễn rất sinh động, vì vậy, muốn có những sản phẩm báo chí chất lượng thì đội ngũ phóng viên phải luôn luôn bám sát cuộc sống và nhân dân. Nhiệm vụ của một cơ quan truyền thông lớn, trực thuộc Chính phủ như Đài TNVN là tạo được sự đồng thuận và niềm tin toàn xã hội, cùng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới với tinh thần hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ của Chính phủ trong thời gian qua là những cơ sở rất thuận lợi để Đài TNVN tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu này, khơi dậy khát vọng làm cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng chí vừa nhắc tới dịch bệnh Covid-19. Rõ ràng, đại dịch đang tác động mạnh tới đời sống kinh tế - xã hội của nước ta và vẫn diễn biến khó lường. Đài TNVN đã và đang thực hiện công tác truyền thông như thế nào về công tác phòng, chống dịch, thưa đồng chí?

Dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đến nay đã được gần 2 năm. Dịch bệnh đã đẩy nhiều quốc gia trên thế giới vào tình trạng suy thoái, khó khăn về kinh tế - xã hội và nước ta không phải là ngoại lệ. Nhưng chúng ta đã có những giải pháp phù hợp, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đợt bùng phát dịch thứ 4 với chủng mới Delta đang làm nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Số ca mắc mới đang gia tăng chưa khống chế được, hệ thống y tế đến ngưỡng quá tải; sản xuất, dịch vụ bị đình trệ. Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là rất kịp thời, đúng trọng tâm và có tính thực tiễn cao. Đài TNVN đang triển khai kế hoạch tuyên truyền, phản ánh kịp thời diễn biến từng giờ của dịch bệnh tại các địa phương bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đài TNVN đã truyền đi quyết tâm của Đảng, Quốc hội, những chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của ngành y tế cùng các lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm ứng phó với dịch bệnh. Đó là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ; đó là chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay; đó là những nỗ lực ngoại giao vaccine; đó là các chương trình an sinh, hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người yếu thế; và trên hết là những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ đang từng giờ giành giật sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch.

Có thể nói các phóng viên của Đài TNVN ở mọi loại hình báo chí, từ phát thanh, truyền hình đến báo điện tử, báo in, và đặc biệt các phóng viên ở các cơ quan thường trú trong và ngoài nước đã bất chấp hiểm nguy, dấn thân vào vùng dịch để có được những tin tức, phóng sự, hình ảnh nóng hổi thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Trong bối cảnh cam go, bên cạnh những tin bài phản ánh thực tế vùng dịch, các phương tiện truyền thông của Đài TNVN cũng nêu những tấm gương sáng của các y, bác sĩ, các chiến sĩ, những câu chuyện giàu tính nhân văn giúp công chúng thêm tin yêu cuộc sống, tin tưởng vào hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội.

Vai trò của các phương tiện truyền thông của Đài TNVN đã được ghi nhận. Trong tháng 8 vừa qua, 2 tuần liên tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư khen ngợi Đài TNVN có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thưa đồng chí, là cơ quan truyền thông đa phương tiện, Đài TNVN đã phối hợp 4 loại hình báo chí như thế nào để gia tăng hiệu quả truyền thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và duy trì vị thế trong môi trường báo chí hiện đại, cạnh tranh thông tin như hiện nay?

Đài TNVN là cơ quan truyền thông đa phương tiện, hoạt động sản xuất nội dung theo cơ chế tích hợp các tòa soạn và chia sẻ các tài nguyên chung. Đây là mô hình tiên tiến, phù hợp với bối cảnh các nguồn lực của Đài còn hạn chế. Việc vận hành đòi hỏi phải có tính thống nhất, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao và đặc biệt là phải có một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong định hướng thời gian tới, Đài phải hướng mạnh sang chuyển đổi số; tận dụng những tiến bộ, thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Làm được như vậy, tôi tin rằng Đài không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà còn phục vụ chu đáo công chúng, công chúng được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số, công nghệ kỹ thuật gắn liền với nội dung chất lượng cao. Mọi ý tưởng, mọi chất liệu và mọi nguồn lực đều được kết nối, chia sẻ. Một nguồn tin được chia sẻ; một gói thông tin được chia sẻ; một ý kiến chỉ đạo được thực hiện trên tất cả các kênh phát thanh, truyền hình, báo điện tử và báo in. Các loại hình truyền thông của Đài TNVN vươn tới mọi đối tượng công chúng ở mọi miền đất nước, kiều bào và bạn bè quốc tế vì thế hiệu quả truyền thông rất cao. Mỗi đơn vị nội dung của Đài có đội ngũ phóng viên, biên tập viên sản xuất những gói thông tin đặc thù cho từng loại hình báo chí, từng nhóm đối tượng chuyên biệt.

Đài TNVN có 6 cơ quan thường trú trong nước và 13 cơ quan thường trú nước ngoài. Một phóng viên thường trú có thể cung cấp thông tin cho cả 4 loại hình: phát thanh, truyền hình, báo điện tử và báo in. Đây cũng là một thế mạnh để Đài TNVN xây dựng hướng phát triển thời gian tới. Các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể sẽ được xác định trong Đề án xây dựng Đài TNVN là cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực theo Quy hoạch quản lý và phát triển báo chí của Chính phủ. Đài TNVN triển khai tốt mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực cũng là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều mà tôi suy nghĩ nhiều, đó là phải vận hành thật hiệu quả mô hình báo chí đa phương tiện nhằm chủ động trong công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội nhằm ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các cơ quan báo chí ở trong nước và nước ngoài, cũng như những thách thức thực sự từ mạng xã hội và phương thức truyền thông mới…

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

baotnvn.vn

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D