Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói từ con tim đến với con tim
Cập nhật: 26/12/2022
"Bác Hồ căn dặn giữ Tiếng nói Việt Nam liên tục trong mọi tình huống không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm mà còn là tiếng nói từ con tim…đến con tim"
Năm 1994, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo Đài mời nhà báo, nguyên Tổng biên tập Trần Lâm viết cuốn sách về Đài phát thanh Quốc gia. Tôi được Tổng Giám đốc Phan Quang giao nhiệm vụ làm đầu mối liên hệ với nhà báo Trần Lâm. Một tuần sau nhà báo Trần Lâm đi xe đạp đến thẳng 58 Quán Sứ, vào phòng tôi, cười nói:
- Này, cậu viết lách thế nào chứ tôi rặn mãi không ra. Tôi định viết năm bài học rút ra từ nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Đài, nhưng khó quá nên quyết định viết hồi ký, nghĩa là nhớ đến đâu viết đến đấy. Cậu thấy thế nào?
-Dạ, theo em thủ trưởng viết thế nào mà thấy vui, hứng khởi là hay ạ.
-Vậy thì quyết nhé, hồi ký.
Tôi rót chén chè Thái nóng giòn mời, ông khoát tay:
-Hồi đang làm việc, những khi giao ban, anh em rót cho chén chè nhỏ, chả thấm tháp gì, giờ cậu cho mình cốc to kia kìa.
Tôi bất ngờ về tính cởi mở, pha chút bỗ bã của ông mà thời đương chức ít thấy. Ông cười to rồi hạ giọng:
-Nghĩ mãi rồi tôi tính viết theo lời căn dặn đầu tiên của Bác Hồ khi đến thăm Đài năm 1946 : “Các cô các chú phải bảo đảm làn sóng liên tục, vang xa trong mọi tình huống”. Thế a mà.
Theo thói quen hàng ngày giao ban, sau một phát biểu đầy hưng phấn, ông thường chốt hạ “Thế a mà”. Nhà báo Trần Lâm cặn kẽ:
-Bác Hồ căn dặn giữ Tiếng nói Việt Nam liên tục trong mọi tình huống không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệmmà còn là tiếng nói từ con tim…đến con tim.
Nhà báo Trần Lâm.
Để cho làn sóng Tiếng nói Việt Nam liên tục trong mọi tình huống, thời kháng chiến chống thực dân Pháp cán bộ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên Đài phát thanh Quốc gia đã rời thủ đô Hà Nội cùng dân tộc đi kháng chiến, di chuyển địa điểm 14 lần, ba lần bị địch vây ráp quyết liệt, cũng là ba lần “vượt qua kiếp nạn”. Khi di chuyển địa điểm, bảo đảm bí mật, an toàn người đi trước chịu nhiều gian khổ nhất là cán bộ kỹ thuật.
Chính vì vậy mà một ngày cuối thu năm 1949, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng phu nhân đến thăm Đài đang sơ tán ở Bản Đung, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, Tổng Biên tập Trần Lâm giới thiệu người đầu tiên với Phó Thủ tướng là ông NguyễnCung, cán bộ kỹ thuật đi đầu trong việc bảo đảm kỹ thuật cho làn sóng phát thanh liên tục, không ngắt nghỉ. Nhà báo Trần Lâm coi đây không chỉ là thực tế mà còn là bài học kinh nghiệm giá trị đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu.
Từ trong “cái khó” lại “ló cái khôn”. Theo cách nói của ông Trần Lâm thì đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước người nhà Đài "khôn" hơn nhiều, nghĩ xa hơn, nhìn rõ hơn và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Ông nói bài học nhỡn tiền là trong 12 ngày đêm chiến đấu với “pháo đài bay” B 52 Mỹ, đài phát sóng Mễ Trì bị hủy diệt, sóng trung chủ lực 297 m chỉ mất trong 9 phút. Sau 9 phút như bóp nghẹt triệu con tim ấy Đài lại phát tin quân dân Hà Nội chiến thắng, bắn rơi B52 Mỹ.
Tranh áp phích nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không
Đồng bào chiến sỹ trong nước và bạn bètrên khắp năm châu gửi thư về thăm hỏi, ca ngợi Đài Tiếng nói Việt Nam và đặt câu hỏi vì sao chỉ trong 9 phút mà Đài khôi phục được nhà máy phát sóng vừa bị hủy diệt? Nhà báo lão thành Trần Lâm cười khà khà rồi trả lời ngay: “Vì chúng ta có kế hoạch, phương án 99” Tôi muốn biết ngay “Kế hoạch 99 là gì, ra đời lúc nào, ông Trần Lâm thủng thẳng kể ngọn ngành.
Sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, ngày 5/8/1964 đế quốc Mỹ ném bom một số đia điểm ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc bằng không quân, Hội đồng Chính phủ họp phiên đặc biệt “đặt Miền Bắc vào cuộc sống thời chiến”. Tại cuộc họp này Tổng Biên tập Trần Lâm báo cáo với Thủ tướngPhạm Văn Đồng “Kế hoạch thời chiến của Đài Tiếng nói Việt Nam” gồm ba điểm chính. Một là lập mạng đài phát sóng dự phòng, đề phòng đài phát sóng Mễ Trì và Bạch Mai bị phá hủy.
Hai là đề nghị với chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho mượn một sóng trung công suất lớn ở Côn Minh thay thế đài Mễ Trì khi cần thiết.
Ba là đề nghị Bộ Quốc phòng đặt đài Mễ Trì, đài Bạch Mai, khu vực đài Bá Âm ở Bà Triệu là trọng điểm được bảo vệ bằng nhiều tầng lưới lửa phòng không. Chỉ trong mười phút đề nghị của Tổng Biên tập Đài TNVN được Thủ tướngPhạm Văn Đồng tán thành và chỉ thị cho các đơn vị liên quan tích cực, khẩn trương giúp Đài phát thanh quốc gia thực hiện kế hoạch phòng không sơ tán, lập các cơ sở hạ tầng trong và ngoài Hà Nội, bảo vệ con người, phương tiện, bảo đảm làn sóng liên tục.
Các ông Nguyễn Cung, Nguyễn Văn Nhất, Lê Hồng Giang, Trịnh Lý Thản là những người có công lớn trong công cuộc xây dựng mạng lưới đài phát sóng dự phòng, đủ sức bảo đảm đài phát thanh Quốc gia, Đài Giải phóng, Đài bạn Lào và Campuchia phát sóng an toàn trong mọi tình huống.
5 giờ 5 phút sáng 19/12/1972 máy bay chiến lược B52 Mỹ ném bom rải thảm đài Mễ Trì, nhà máy B bị sập, công nhân kỹ thuật, tự vệ Nhữ Quang Thành trực chiến hy sinh, nhiều công nhân tự vệ bị thương, mất sóng trung chủ lực 297 m. Nhận được báo cáo Tổng Biên tập Trần Lâm trực chiến ở 58 Quán Sứ lệnh cho ông Đặng Trung Hiếu trực ở Bà Triệu thực hiện ngay phương án A cho máy phát sóng ở đây tức thời hoạt động. Chỉ sau 9 phút ngưng sóng, Đài phát thanh quốc gia cất lên danh xưng dõng dạc “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”.Đấy là kết quả của một quá trình dài thực hiện kế hoạch sống và làm việc trong thời chiến từ cuối năm 1964 và hoàn thiện trong “Kế hoạch mang số 99, năm 1972 của Cục Kỹ thuật Phát thanh Đài TNVN.
Đài Phát sóng Mễ Trì.
Hai ngày sau khi đài Mễ Trì bị phá hủy, Thủ tướngPhạm Văn Đồng đến hiện trường thăm hỏi cán bộ công nhân ở đây rồi đi ngay đến nhà máy dệt 8/3 cũng bị máy bay Mỹ phá hoại. Chủ tịch bảo Tổng Biên tập Trần Lâm cùng ngồi xe để bàn công việc. Trên đường đi, ông Trần Lâm báo cáo ngắn gọn kế hoạch khôi phục đài Mễ Trì. Chỉ hơn 15 phút, Chủ tịch nghe kỹ và quyết đưa các đề nghị của Đài TNVN vào hạng mục để Phó Thủ tướngLê Thanh Nghị sắp đi xin viện trợ các nước xã hội chủ nghĩa. Ít lâu sau Liên Xô nhận bán chịu cho Việt Nam (tính vào khoản vay dài hạn) một máy sóng trung 1000 kw. Trong khi đó Công đoàn Truyền thanh Dân gian Nhật Bản trong thời gian ngắn quyên góp 5 triệu yên gửi tặng Đài TNVN khôi phục đài Mễ Trì.
Đài phát sóng Bạch Mai và khu tập thể Đài TNVN tại 128C Đại La bị B52 hủy diệt, hàng trăm cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên không còn nhà ở. Hay tin bà con huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương tình nguyện cử 20 hợp tác xã tham gia xây nhà tạm bằng tranh tre nứa lá cho Đài. Mỗi Hợp tác xã làm một nhà 10 gian, mỗi gian rộng 20 mét vuông. Chỉ trong một tháng, 20 ngôi nhà xây xong bằng cây gỗ trồng ven đường làng, tranh tre nứa lá của bà con xã viên. Trong ngày mừng công Đài tổ chức bữa cơm liên hoan mời cán bộ, bà con Gia Lộc để tỏ lòng biết ơn. Bà con Gia Lộc mang luôn gạo tẻ, gạo nếp, lợn, gà lên 128C Đại La làm cỗ. Kể qua câu chuyện ông Trần lâm cười khà khà:
- Bữa liên hoan đoàn kết vui đáo để. Tất cả của bà con Gia Lộc, nhà Đài chỉ mua thêm rau thơm thôi.
Tôi cười theo và ngẫm nghĩ mãi câu nói từ gan ruột của ông “Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói từ con tim đến với con tim”./.
Nhà báo Vĩnh Trà/VOV
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D