Tiền Giang, Bến Tre tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật: 04/11/2024

VOV.VN - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các địa phương vùng ĐBSCL đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các tháng cuối năm công tác này càng tăng tốc.

Năm nay, tỉnh Tiền Giang có tổng vốn đầu tư công hơn 6.190 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 4.090 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 2.100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Tiền Giang đã triển khai 356 dự án; trong đó có 186 dự án chuyển tiếp, 104 dự án khởi công mới và 66 dự án thanh quyết toán.

Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực tập trung chỉ đạo để thực hiện kế hoạch đầu tư công hiệu quả. Đến cuối tháng 10 này,  tỉnh đã giải ngân hơn 4.660 tỷ đồng, đạt hơn 75% kế hoạch; tăng hơn 24,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân được 1.900 tỷ đồng, đạt 90,5% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương giải ngân được 2.760 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch. 

Tiền Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả nước. Đáng ghi nhận là các chủ đầu tư như: Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp-PTNT, Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh đều giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch và đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.

Về kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm liền đạt kế hoạch được giao, ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình NN-PTNT cho biết: " Bên mình giải ngân hơn 80%, bây giờ đến cuối năm phải giải ngân đạt 100%. Từ năm 2017 đến nay, năm nào Ban cũng giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%.  Quan trọng nhất là vốn cấp cho mình đầy đủ, thứ 2 là năng lực, trách nhiệm của nhà thầu, thứ 3 là công tác chuẩn bị đầu tư cho tốt thì sẽ triển khai nhanh".

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, toàn tỉnh có 4/11 UBND cấp huyện đã có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh. Với nguồn vốn ngân sách từ Trung ương, tiến độ giải ngân đã có những bước tiến triển rõ rệt, cả về tỷ lệ lẫn giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án như: cầu Tân Phong, đường tỉnh 864, huyện lộ 35, bờ kè ven sông Cái Bè thi công rất khẩn trương, đạt chất lượng cao, nhà thầu khắc phục khó khăn nên chủ đầu tư giải ngân vốn rất thuận lợi. Nổi bật như, dự án Đường dọc sông Tiền (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, đến nay, được bố trí vốn hơn 1.395 tỷ đồng; giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm đến nay hơn 422 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.

Tại tỉnh Bến Tre năm nay, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 5.035 tỷ đồng. Dù gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng đến nay Bến Tre cũng giải ngân được trên 2.459 tỷ đồng, đạt tỷ lệ  hơn 52% so với kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã trình UBND tỉnh thực hiện 06 lần điều chỉnh, điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ chậm sang các dự án có tiến độ tốt với 17 lượt chủ đầu tư. Tổng số vốn điều chỉnh tăng, giảm trên 231 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công là 230 tỷ 488 triệu đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 583 triệu đồng. Bến Tre sẽ tiếp tục rà soát, dự kiến trình điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn theo nhu cầu thực tế của các chủ đầu tư.

Dự kiến, năm nay, tỉnh Bến Tre sẽ có 66 dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực tăng thêm cho các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nay đến cuối năm 2024, Bến Tre phấn đấu giải ngân thêm hơn 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói: " Chúng tôi đang tập trung quan tâm, chỉ đạo sâu sát đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gắn liền với giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh Bến Tre tập trung nỗ lực tối đa từ nay đến cuối năm thực hiện ít nhất đạt 95% vốn đầu tư công”.

Thực tế cho thấy, dù có rất nhiều phấn đấu, nỗ lực nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre năm nay, gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đó là các chủ đầu tư vào những tháng đầu năm phải mất thời gian chờ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu mới để lựa chọn nhà thầu thi công các dự án mới; nguồn vật liệu cát san lấp mặt bằng khan hiếm. Đồng thời, công tác giải tỏa bồi thường để triển khai nhiều dự án gặp trở ngại, nhất là các dự án xây dựng cầu, đường giao thông cấp huyện, xã không có chính sách bồi thường đất cho người dân nên không ít trường hợp bị ách tắc trong quá trình triển khai dự án do chưa có mặt bằng sạch.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc công ty TNHH Triệu Cang, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang- một doanh nghiệp đảm nhận nhiều công trình, dự án cấp xã, chia sẻ: “ Công trình mình thì nhân sự bố trí vô là phải hợp đồng thi công đẩy nhanh tiến độ làm liền, đảm bảo. Nhiều khi bị vướng là nguồn vốn cấp bổ so với hồ sơ thẩm định trễ với yeu cầu giải ngân, thẩm tra hồ sơ thì phải biết nguồn vốn nào mới ra kết quả thẩm tra được. Mặt bằng có cái cũng vướng có khi chỗ ấp hay xã họp chỉ nói chung chung dân không nắm được, bằng bằng đường lộ đó phải giải phóng bao nhiêu, thi công bao nhiêu. Hiện giờ chính sách đền bù thì ở cấp xã chỉ hiến đất thôi, không có đền bù nên gặp khó khăn, vận động suốt”.

Tại Tiền Giang hiện có nhiều dự án do UBND huyện, Thành phố làm chủ đầu tư phải dừng thi công hoặc điều chỉnh thiết kế, thậm chí chưa thể triển khai thi công như: Đường Đoàn Thị Nghiệp (xã Trung An, Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho) sau 3 năm thi công vẫn chưa xong do 2 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Đường huyện lộ 34 (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) có hơn 20 hộ dân chưa chấp nhận giải tỏa bàn giao mặt bằng nên dự án phải dừng thi công; dự án đường huyện 70B(xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) do thiếu mặt bằng nên nhà thầu phải chờ...

Tại tỉnh Bến Tre có nhiều dự án có quy mô lớn đã khởi công nhưng chưa thể thi công do khan hiếm nguồn cát san lấp mặt bằng như dự án cầu Ba Lai 8 (huyện Bình Đại, Ba Tri). Các dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm như: Dự án Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 2); Dự án Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam -Thạnh Phú...

Hiện nay, chính quyền, các ngành chức năng, các chủ đầu tư và nhà thầu ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang tiếp tục khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, có cơ chế, chính cho phù hợp, hài hòa. Tiếp tục thực hiện điều chuyển vốn từ những dự án có khối lượng thấp sang các dự án có khối lượng cao, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm. Trong đó, ưu tiên điều chuyển vốn trong nội bộ của từng chủ đầu tư, tiếp đến là giữa các chủ đầu tư, tránh tình trạng “công trình chờ vốn và vốn chờ công trình” góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Tiền Giang và Bến Tre đang khẩn trương tổ chức khai thác các mỏ cát đáp ứng nhu cầu của các dự án... phấn đấu  nằm trong nhóm đạt cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Từ khóa: đầu tư công, ĐBSCL, đầu tư công, giải ngân,giải ngân vốn đầu tư công

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nhật trường/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập