Tiêm kích đánh chặn MiG-31M: Số phận dang dở nhưng không “vô bổ”
Cập nhật: 12/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Phương Tây đã “thở phào” khi Nga, do khó khăn về kinh tế, đã phải dừng dự án tiêm kích đánh chặn MiG-31M có tính năng chiến-kỹ thuật và chiến đấu vượt trội so với phiên bản gốc nhờ sử dụng động cơ mới, được trang bị các thiết bị hiện đại và tích hợp vũ khí tiên tiến.
“Sát thủ đánh chặn” MiG-31
Máy bay đánh chặn siêu thanh hai chỗ ngồi MiG-31 (МиГ-31, định danh NATO Foxhound) được Văn phòng thiết kế Mikoyan phát triển năm 1975 kế thừa các ưu điểm của MiG-25 để thay thế MiG-25 “Foxbat” của Không quân Liên Xô, được đưa vào trang bị từ năm 1981 và tiếp tục được Không quân Nga và Kazakhstan dự kiến sử dụng đến năm 2030 hoặc muộn hơn. Được thiết kế để đánh chặn mọi mục tiêu bay từ siêu thấp cho tới siêu cao, MiG-31 là một trong những tiêm kích đánh chặn nhanh nhất và nguy hiểm nhất thế giới.
Nhờ sử dụng hai động cơ đặc biệt Soloviev D-30F6 để tạo lực đẩy cực mạnh kể cả ở độ cao lớn - 25.000m (độ cao vũ trụ là từ 21.500m trở lên) - nơi không khí loãng và hàm lượng oxy thấp, MiG-31 đạt được độ cao trần trong khoảng 9-18 phút - yêu cầu tiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn khẩn cấp và có thể tác chiến hiệu quả ở độ cao lớn - nơi thường gây rung lắc rất mạnh ở phần thân máy bay mà chỉ các “chim sắt” được thiết kế đặc biệt mới có thể chịu được.
“Sát thủ đánh chặn” MiG-31 dài 22,69m, cao 6,15m, sải cánh 13,46m, có trọng lượng cất cánh tối đa 46,2 tấn, trọng lượng rỗng 21,82 tấn; tốc độ cực đại 3.000km/h (Mach 2,83), bán kính chiến đấu 1.450km; tầm bay cực đại đến 3.000km với 2 thùng dầu phụ và mang 4 tên lửa hạng nặng R-33E, hoặc đến 5.400km với 2 thùng dầu phụ, 4 tên lửa R-33R và được tiếp liệu một lần trên không.
Tải trọng vũ khí của MiG-31 khoảng 9 tấn, được thiết kế với 4 giá treo trên cánh và 6 dưới thân cho phép triển khai nhiều loại tên lửa không đối không hạng nặng. Tên lửa không đối không R-33 được phát triển riêng cho MiG-31 có tầm bắn 120-160km, vận tốc tối đa Mach 3,5, mang theo đầu nổ nặng 47,5kg, chuyên dùng để đánh chặn các loại máy bay ném bom tầm xa của Mỹ và NATO như B-52H hay B-1B, hoặc máy bay trinh sát siêu thanh SR-71.
Foxhound là máy bay duy nhất thuộc loại này được trang bị radar mảng pha trong hơn 20 năm, cho đến khi F-2 của Nhật Bản được trình làng vào năm 2002 và F-22 của Mỹ - vào năm 2005. Đây cũng là máy bay đầu tiên trên thế giới có một radar mảng pha quét điện tử - Zaslon - có hiệu suất “vô đối” vào thời điểm đó. Xét về khả năng không đối không tầm xa, Foxhound chỉ bị thách thức bởi chiếc F-14D Tomcat của Hải quân Mỹ - một thiết kế cực kỳ tốn kém được đưa vào biên chế với số lượng ít từ năm 1991 và bị cho nghỉ hưu chỉ sau 15 năm, do chi phí hoạt động quá cao.
Số phận dang dở của MiG-31M
Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số chương trình vũ khí hiện đại nhằm tạo cho siêu cường ưu thế về chất so với các đối thủ phương Tây đã bị hủy khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng - quy mô nền kinh tế của đất nước giảm 45% chỉ trong 4 năm. Các chương trình bị hủy bỏ bao gồm siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, nâng cấp xe tăng T-80, máy bay chiến đấu có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng Yak-41, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 MiG 1.44, Su-47…
Riêng kế hoạch mua máy bay nâng cấp Su-27M bị trì hoãn hơn 15 năm trước khi chính thức tái hoạt động vào năm 2014. Một trong những chương trình vũ khí quan trọng nhất, nhưng ít được biết đến, bị chấm dứt là chương trình tạo biến thể máy bay đánh chặn hạng nặng trên cơ sở MiG-31 Foxhound - MiG-31M - một loại máy bay mặc dù thiếu tính năng của thế hệ thứ 5 nhưng có thể tạo ra mối thách thức nghiêm trọng đối với máy bay thế hệ này, được đưa vào trang bị sau khi chuyển giao thế kỷ.
MiG-31M được nâng cao đáng kể về khả năng chiến đấu, mặc dù vẫn chưa rõ đầy đủ và chi tiết về khả năng của nó. MiG-31 nặng khoảng 41.000-46.000kg, trong khi MiG-31M có trọng lượng cất cánh khoảng 50.000kg tùy thuộc vào lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo. MiG-31M thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1985 với động cơ mới - D-30F-6M nâng cấp - mạnh hơn và hiệu quả hơn; diện tích kính của buồng lái được tăng lên; có thể tích hợp tên lửa tầm xa; tích hợp radar Zaslon-M mới có ăng ten lớn hơn và cự li rà quét, phát hiện lớn hơn đáng kể.
Radar mới có tốc độ phát hiện mục tiêu tương đối cao - trên Mach 6 - đặc biệt hữu ích vì MiG-31M là một trong số ít máy bay trên thế giới được thiết kế để đánh chặn tên lửa khi đang bay. Máy bay cũng có thể mang nhiều vũ khí hơn - tăng từ bốn lên sáu với các khoang trong thân. MiG-31M cũng được tích hợp các hệ thống điện tử hàng không, điều khiển và các biện pháp đối phó tác chiến điện tử mới; tác chiến điện tử và các hệ thống phòng thủ riêng lẻ được hợp nhất thành hệ thống phòng thủ toàn diện.
Dung tích thùng nhiên liệu bên trong tăng lên và khả năng tiếp nhiên liệu trong chuyến bay cho phép máy bay mở rộng bán kính chiến đấu, tăng thời gian lưu lại trên không; việc triển khai tên lửa R-37 mới có tầm hoạt động cực xa, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với R-33 đã biến nó thành Siêu MiG. Dự án MiG-31M đã bị chấm dứt do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Nga vào năm 1995, sau nhiều lần bay thử thành công. Nga không thể theo đuổi những nâng cấp đầy tham vọng hơn đối với tiêm kích hạng nặng MiG-31 (và tiêm kích hạng trung MiG-29), thay vào đó, tập trung để hiện đại hóa chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 Flanker cho mục đích sử dụng và xuất khẩu.
Su-27 thua kém rất nhiều so với MiG-31 về sức mạnh của các cảm biến và khả năng hoạt động tầm xa, nhưng là một thiết kế linh hoạt hơn, có thể chiến đấu với hầu hết mọi máy bay địch một cách thuận lợi ở tất cả các tầm, bao gồm cả tác chiến trong tầm nhìn. Nó cũng rẻ hơn nhiều so với MiG-31, kể cả về giá thành sản xuất và chi phí vận hành, và có thể dễ dàng thích ứng với các vai trò khác ngoài tác chiến trên không, chẳng hạn như tấn công trên biển…
Mặc dù Trung Quốc được cho là đã cân nhắc mua các máy bay đánh chặn MiG-31 với số lượng đáng kể, nhưng việc lựa chọn Su-27 rẻ hơn cho việc cấp phép sản xuất quy mô lớn, có nghĩa là MiG-31M không thể tự hỗ trợ bằng việc xuất khẩu như Flanker đang làm. Một nguyên mẫu và sáu chiếc MiG-31M lô 0 đã được sản xuất trước khi chương trình chính thức bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, những nỗ lực nghiên cứu và phát triển MiG-31M không hoàn toàn bị lãng phí, nhiều khung máy bay tiêu chuẩn của MiG-31B được nâng cấp thành MiG-31BM và sau đó là MiG-31BSM, được tích hợp radar Zaslon-M và tên lửa R-37 dành cho MiG-31M, cùng nhiều công nghệ điện tử và điện tử hàng không khác. Ngoài tiêm kích Su-57 chỉ được đưa vào trang bị cho Không quân Nga vào tháng 12/2020, MiG-31BSM được coi là chiến đấu cơ có khả năng không đối không cao nhất của Nga hiện nay.
MiG-31 cũng đã được hiện đại hóa để thực hiện một số vai trò khác, bao gồm mang tên lửa đạn đạo siêu thanh cũng như tác chiến chống vệ tinh như MiG-31K. Nga dự kiến đưa vào trang bị một loại máy bay đánh chặn hoàn toàn mới vào khoảng năm 2030 - 50 năm sau khi chiếc Foxhound đầu tiên gia nhập Không quân Liên Xô, đó là tiêm kích thế hệ thứ sáu MiG-41, có thể bay tốc độ siêu âm - gần gấp đôi tốc độ của MiG-31, dự kiến sẽ sử dụng cho chiến tranh không gian./.
Từ khóa: Tiêm kích đánh chặn MiG-31M: Số phận dang dỡ nhưng không “vô bổ”, “Sát thủ đánh chặn” MiG-31. MiG-27, MiG-41, MiG-31K
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN