Thủy lợi 4.400 tỷ bất cập: Bộ NN&PTNT họp khẩn với tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật: 26/08/2020
Những mặt hàng nào của Việt Nam không chịu thuế đối ứng 46% từ Mỹ?
Dow Jones 'bốc hơi' thêm 2.200 điểm sau thuế quan lịch sử của ông Trump
VOV.VN - Các bên liên quan không thể khẳng định giải phóng mặt bằng có hoàn thành trước 30/11/2020 theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk.
Liên quan đến Dự án thủy lợi 4.400 tỷ đồng Krông Pách Thượng chậm tiến độ, nhiều bất cập, tắc trách đe dọa đến tính mạng, tài sản hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ, hôm nay (24/8), đoàn công tác của Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp khẩn với tỉnh Đắk Lắk để tìm các giải pháp khắc phục.
![]() |
Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Đắk Lắk họp khẩn về Dự án thủy lợi Krông Pách thượng |
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (gọi tắt là Ban A tỉnh), chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, thừa nhận, việc giải phóng được mặt bằng vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng không đạt chỉ tiêu, yêu cầu theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk đặt ra.
Cho đến ngày 21/8/2020, các đơn vị chức năng mới chỉ dừng lại ở việc phê duyệt được 13 phương án đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích gần 100ha. Việc đền bù và di dời dân vùng lòng hồ là chưa thực hiện được.
Đại diện Ban A tỉnh nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ chậm. Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất rất phức tạp nhưng Sở TNMT tỉnh và phòng TNMT các huyện hướng dẫn không rõ ràng nên UBND các xã lúng túng. Mặt khác, các bên liên quan còn chưa thống nhất trong việc áp dụng các điều khoản trong văn bản Luật và dưới Luật, dẫn đến công tác xác định nguồn gốc đất chậm, Ban A tỉnh và các Trung tâm quỹ đất không thể lập được phương án.
![]() |
Việc giải phóng mặt bằng Dự án thủy lợi Krông Pách thượng có dấu hiệu bế tắc |
Công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong việc đo vẽ trích lục, kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng có sự mâu thuẫn, không thống nhất. Trong khi đó, nhân lực để thực hiện việc giải phóng mặt bằng cũng còn thiếu và yếu, dẫn đến tiến độ rất chậm.
Việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân vùng lòng hồ khi khu vực dự án đã bước vào mùa mưa. Với tình hình hiện nay, nếu tần suất lũ P=10% sẽ gây ngập khoảng 200 nhà dân, với tần suất lũ là P=0,5% thì sẽ gây ngập khoảng 500 nhà dân, chủ yếu là tại xã Cư San, huyện M’Đrăk.
Trong tình huống ngập lụt như vậy xảy ra, Ban A tỉnh nhận định không có phương án đối phó mà chỉ có thể di dân khẩn cấp ra khỏi lòng hồ. Ngày 17/8/2020, Ban A tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các bên liên quan chuẩn bị phương án phòng chống lũ, theo dõi sát diễn biến mưa lũ vùng lòng hồ, chuẩn bị nhân lực, thiết bị để sẵn sàng di chuyển dân khỏi lòng hồ khi cần thiết.
Cuộc họp kết thúc khi các bên liên quan không thể khẳng định tiến độ giải phóng mặt bằng có hoàn thành trước 30/11/2020 theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân hay không.
![]() |
Nếu không nhanh chóng GPMB, khoảng 500 nhà dân ở M'Drăk sẽ bị ngập lụt khi có lũ tần suất P=0,5% |
Các bên liên quan chỉ nêu ra được một số điểm mấu chốt cần giải quyết để giải phóng mặt bằng gồm: xác định nguồn gốc đất, đo vẽ trích lục, kiểm đếm, áp giá. Tuy nhiên, quá trình triển khai thì những vấn đề này lại đang vướng phải các quy định của Luật, các Nghị định, thông tư. Việc giải phóng mặt bằng có dấu hiệu bế tắc khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung, có sự nhận thức, hiểu biết khác nhau.
Tại buổi làm việc, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, việc giải phóng mặt bằng vướng như hiện nay thì đến cuối năm cũng chưa chắc đã xong. Ông cho biết sẽ báo cáo các lãnh đạo cao nhất của tỉnh để có phương án lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Cố gắng phải chỉ đạo cho bằng được. Giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp và giao thông tham mưu từng cuộc họp cụ thể cho từng tuần, vướng ở tài nguyên môi trường ở chỗ nào, hay điều động người từ huyện này qua huyện kia. Sau cuộc họp này là tổ chức họp ngay, trên cơ sở là báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh phải chỉ đạo sát chứ không giao cho sở, ban, ngành nữa”, ông Y Giang Gry khẳng định./.
Từ khóa: dự án thủy lợi Đắk Lắk, Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, dự án thủy lợi, Đắk Lắk
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN