Thụy Điển “cược lớn” đi ngược xu thế để sống lâu dài với Covid-19?
Cập nhật: 11/05/2020
Festival hoa Mê Linh được tổ chức với quy mô gần 10.000m2
Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2
VOV.VN - Thụy Điển tiếp tục chiến lược chống Covid-19 gây tranh cãi với hy vọng làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 sẽ có quy mô nhỏ hơn.
“Cược lớn” để sống chung với Covid-19?
Chiến lược chống Covid-19 "khác thường" của Thụy Điển là nhằm đảm bảo rằng quốc gia này chỉ có làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 ở quy mô nhỏ, không giống với các quốc gia khác có thể buộc phải quay trở lại biện pháp phong tỏa, ông Anders Tegnell, nhà dịch tễ học Thụy Điển nhận định.
Mọi người dùng bữa tại một nhà hàng ở Stockholm, Thụy Điển hôm 8/5. Ảnh: AFP |
Ông Anders Tegnell, người ủng hộ chiến lược không phong tỏa, ước tính rằng khoảng 40% dân số thủ đô Stockholm sẽ miễn nhiễm với Covid-19 vào cuối tháng này, giúp cho Thụy Điển có lợi thế trước dịch bệnh. Chuyên gia này cũng khẳng định thêm rằng: "Chúng ta phải sống chung với đại dịch này trong một thời gian rất dài".
"Vào mùa thu sẽ có một làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai. Thụy Điển sẽ có mức độ miễn dịch cao và số ca mắc bệnh có lẽ sẽ khá thấp. Tuy nhiên, Phần Lan có mức độ miễn dịch rất thấp. Liệu Phần Lan có phải quay trở lại phong tỏa toàn bộ hay không?", ông Tegnell đặt câu hỏi với Financial Times.
Thụy Điển và ông Tehnell đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu về phản ứng trước đại dịch Covid-19.
Các trường tiểu học và trung học, các nhà hàng, cửa hàng và quán cà phê hầu như vẫn mở cửa bình thường ở Thụy Điển khi các nhà chức trách y tế chủ yếu dựa vào sự tình nguyện của người dân trong việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và làm việc ở nhà. Các trường học cho học sinh trên 16 tuổi và các trường đại học đóng cửa, các hoạt động tập trung trên 50 người bị cấm. Tuy nhiên, đây vẫn là hướng tiếp cận "thoải mái nhất" so với bất kỳ quốc gia nào trong Liên minh châu Âu.
Tính đến ngày 11/5, Thụy Điển ghi nhận hơn 3.200 ca tử vong vì Covid-19. Con số này cao hơn đáng kể so với những "người hàng xóm" của quốc gia này như Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, với số ca tử vong đều dưới 1.000.
Tiếp tục “ngược dòng” chống Covid-19:Sai lầm hay nước cờ hay của Thụy Điển?
Chờ vaccine là một “sai lầm lớn”
Ông Tegnell cho biết sẽ cần tới từ 1 - 2 năm để biết được liệu chiến lược của quốc gia nào là hiệu quả nhất và "cái giá" phải trả là bao nhiêu. Chuyên gia này nhấn mạnh hướng tiếp cận của Thụy Điển là nhìn nhận trên "vấn đề y tế công cộng rộng khắp", trong đó việc "mọi người nên được tiếp tục cuộc sống bình thường một cách phù hợp" là một cân nhắc quan trọng.
Tín nhiệm của công chúng với cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển đã tăng lên trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông Tegnell nhận định các biện pháp phong tỏa không có căn cứ khoa học, đặc biệt là quyết định đóng cửa trường học bởi không có bằng chứng nào cho thấy trẻ em là nguyên nhân chính gây nên sự lây lan dịch Covid-19.
Theo một mô hình thống kê toán học của cơ quan y tế công cộng Thụy Điển, khoảng 1/4 người dân ở Stockholm mắc Covid-19 vào đầu tháng này, trong khi ông Tegnell cho biết đó là một phần lý do của việc số ca mắc mới tại thủ đô của Thụy Điển đã giảm trong thời gian gần đây.
Trái lại, các xét nghiệm tuần này tại thủ đô Oslo của Na Uy cho thấy chưa tới 2% dân số ở đây mắc bệnh.
Tuy nhiên, ông Tegnell thừa nhận việc chưa thể chắc chắn về thời gian miễn dịch với Covid-19 kéo dài trong bao lâu nghĩa là Thụy Điển sẽ chưa thể đạt "miễn dịch cộng đồng", một mức độ cần tới 80% dân số mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
"Tôi không nghĩ chúng tôi hoặc bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng với suy nghĩ rằng dịch bệnh sẽ biến mất bởi tôi không cho rằng đây là một dịch bệnh có thể biến mất".
Nhiều quốc gia hy vọng rằng họ có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan cho đến khi vaccine được tìm ra. Tuy nhiên, ông Tegnell cho biết thậm chí trong viễn cảnh lý tưởng nhất, có thể phải mất tới vài năm để phát triển vaccine và để vaccine có thể được sử dụng trong toàn bộ dân số.
"Ngồi xuống và nói rằng chúng sẽ chỉ chờ vaccine là một sai lầm lớn. Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ. Và cuối cùng, chúng ta không biết vaccine đó sẽ hiệu quả đến đâu. Đó là một lý do nữa cho thấy cần có một chính sách bền vững phù hợp".
Chiến lược của Thụy Điển có thể kéo dài một vài tháng nếu không muốn nói là một vài năm mà sẽ không có sự thay đổi lớn. Điều đó trái ngược với gần như tất cả các nước châu Âu khác, hiện đang thận trọng tìm cách mở cửa trở lại để không khiến số ca mắc mới gia tăng.
Dù vậy, cách tiếp cận của Thụy Điển cũng vấp phải một vài chỉ trích khi số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong cho thấy Thụy Điển chỉ đứng sau Anh, Italy, Bỉ và Tây Ban Nha trong thời gian này.
Mắt xích yếu nhất trong chiến lược chống Covid-19 của Thụy Điển
Một khu vực mà Thụy Điển không thể làm tốt trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan là trong các viện dưỡng lão. Ông Tegnell, người cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở các viện dưỡng lão tại Thụy Điển là lý do chính nước này có nhiều ca tử vong hơn so với các nước láng giềng, nhận định: "Đây là một điều mà chúng tôi rất lấy làm tiếc".
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng các viện dưỡng lão ở Thụy Điển là dành cho "những người rất già và rất ốm yếu" bởi hầu hết người cao tuổi đều sống ở nhà và rằng, có một số "vấn đề về chất lượng" với các bên cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, thường là ở các công ty tư nhân.
"Thật đáng tiếc, những vấn đề về chất lượng như vậy khiến người cao tuổi vô cùng dễ tổn thương trước dịch bệnh", ông Tegnell cho hay, đồng thời khẳng định Thụy Điển đã tiến hành một cuộc điều tra về việc này./.
Từ khóa: Thụy Điển cược lớn, mắt xích yếu nhất, sai lầm lớn, Covid 19, miễn dịch cộng đồng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN