Thường vụ Quốc hội: Cần cương quyết, mạnh tay hơn với người nghiện ma tuý
Cập nhật: 11/09/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - “Nếu không cương quyết thì khó, nên giờ cần mạnh tay hơn, người nghiện ma tuý không giống như người bệnh bình thường được”.
Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại phiên họp 48, chiều 11/9.
Hậu quả nghiêm trọng nhưng còn thiếu quy định
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, nhất là từ khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.
Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.
Do đó, Dự thảo dành một chương mới với 5 điều để quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội.
Khẳng định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo dự luật cho biết, trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện.
“Không thể coi là người bệnh bình thường”
Nhấn mạnh tình trạng nghiện ma tuý đang gây bức xúc xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần đánh giá sâu và kỹ hơn việc cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình, xem có thực sự đem lại lợi ích và hiệu quả tốt hơn hay không.
“Số đông cử tri người ta không thích điều này vì trật tự an toàn xã hội địa phương. Đưa về cai nghiện ở gia đình thì sự tự ti của gia đình càng cao chứ không phải ở trung tâm cai nghiện mới tạo tự ti. Điều đó khiến người ta co cụm lại, nói năng giữ kẽ vì người thân họ có lỗi” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu trong xã, phường hay gia đình nào đó có người nghiện ma tuý thì khủng hoảng, gây lo lắng của cộng đồng dân cư, người thân và ảnh hưởng công tác quản lý.
“Thậm chí gia đình có con em nghiện ma tuý thì tan cửa nát nhà. Tương lai của người nghiện thấy vô vọng lắm khi số người cai nghiện phần lớn không thành công. Từ nghiện dẫn đến phạm tội, kể cả người thân, cha mẹ cũng không có ý nghĩa gì khi muốn thoả mãn cơn nghiện. Nhiều vụ phạm tội xảy ra và có những vụ kinh hoàng” – ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi đặt người nghiện ma tuý vào vị trí người bệnh, song lại cũng không thể coi họ là tội phạm vì yếu tố nhân đạo dù những người này vi phạm pháp luật.
“Nếu không cương quyết thì khó, nên giờ cần mạnh tay hơn, không giống như người bệnh bình thường được” – ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm và cho rằng, cần có giai đoạn như bước đầu có chính sách khuyến khích cai nghiện, tái phạm thì cưỡng chế nhưng nếu tiếp tục vi phạm dù đã được hỗ trợ thì cần tính đến cách ly khỏi xã hội.
Cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn, ông Phan Thanh Bình –Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cũng đề nghị “cần cứng rắn hơn” nếu không sẽ khó giảm số người nghiện ma tuý. Do đó, dự thảo luật cần làm rõ hơn khi nào cai nghiện ở cộng đồng, khi nào được lựa chọn và khi nào phải bắt buộc với những biện pháp cương quyết hơn.
“Cần làm rõ trách nhiệm của gia đình. Có người nghiện ma tuý thì phải khai báo, không khai báo là vi phạm. Nên chăng cần rõ nguyên tắc này” – ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới và cần có quan điểm rõ ràng, quyết liệt hơn trước thực trạng hiện nay, xử lý hành chính theo từng cấp độ và nâng cấp độ. Cùng với đó có những chính sách hỗ trợ để người nghiện ma tuý cai nghiện thành công hoà nhập cộng đồng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát đối chiếu các quy định của những luật liên quan để đảm bảo thống nhất hệ thống luật./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN