Thương vụ AVG: Lời cảm ơn “triệu đô” và cơ chế làm tha hóa cán bộ
Cập nhật: 25/09/2019
HĐND Sơn La: Phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Chủ tịch nước Lương Cường dự Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2025
VOV.VN - Vấn đề cấp thiết là phải tìm ra và "bịt" được những “lỗ hổng” trong cơ chế đã khiến một bộ phận cán bộ bị tha hóa, biến chất.
Kết luận điều tra thương vụ AVG mới đây được báo chí thông tin, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ; cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD. Có thể nói, chưa có trường hợp nào mà cán bộ cấp cao dính vào án tham nhũng rõ ràng như vụ việc này.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn |
Bất ngờ trước số tiền "lại quả"
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục Đào tạo, tuy đã nghe nhiều thông tin về vụ việc nhưng vẫn khá bất ngờ bởi số tiền ông Nguyễn Bắc Son được “lại quả” trong thương vụ AVG là quá lớn, tới 3 triệu USD.
“Có thể nói đây là số tiền nhận hối lộ lớn nhất trong lịch sử nước nhà của một cán bộ từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người đứng đầu một Bộ”, ông Vinh bày tỏ.
Cũng theo ông Vinh, việc một cán bộ cao cấp của Đảng đã trải qua quá trình công tác lâu năm trong hệ thống chính trị mà vẫn phạm sai lầm nghiêm trọng cho thấy lỗ hổng khá lớn trong công tác cán bộ. Đó là việc lựa chọn, qui hoạch, đánh giá, giới thiệu bổ nhiệm cán bộ đã không được thực hiện một cách công tâm, khách quan.
Ông Vinh cho rằng, việc quy hoạch, bổ nhiệm chặt chẽ nhưng rõ ràng, những người được giao thực hiện qui trình có vấn đề, không chỉ với ông Son mà khá nhiều người khác từng là Ủy viên TW Đảng bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua.
Kết luận điều tra cũng đã thể hiện rõ lời khai của ông Nguyễn Bắc Son với cơ quan chức năng, sở dĩ ông cố gắng chỉ đạo sớm thực hiện việc bán cổ phần của AVG cho Mobifone bởi nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Son thời điểm đó sắp kết thúc.
Thật trùng hợp khi vụ việc của ông Nguyễn Bắc Son có thể đem ra làm dẫn chứng sinh động về “chuyến tàu vét” và “hoàng hôn nhiệm kỳ” của nhiều cán bộ, quan chức. Câu chuyện đã râm ran trên nghị trường và báo chí trong một thời gian dài.
Những “chuyến tàu vét” không chỉ xuất hiện ở nơi này nơi kia, không chỉ được nhìn thấy qua những thương vụ nhận hối lộ từ việc bán tài sản nhà nước “giá bèo” mà còn ở những góc khuất trong việc tuyển dụng, điều chuyển công tác, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt dưới quyền, bắt tay doanh nghiệp sân sau, "cài cắm" con cháu vào những vị trí nhiều bổng lộc.
Ông Lê Văn Nghiêm, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng CNTT và Truyền thông, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin-Truyền thông) cũng nhấn mạnh, trong rất nhiều vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý kỷ luật, đưa ra xét xử trước pháp luật, hiếm có trường hợp tham nhũng nào được xác định một cách cụ thể như vụ việc này. Một cán bộ cấp cao thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền “khủng”.
Ông Lê Văn Nghiêm cho rằng, cán bộ cao cấp trong cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi tham nhũng, nguyên nhân chính và quan trọng nhất là lỗi chủ quan, thiếu sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, thiếu kiềm chế trước cám dỗ vật chất. Bên cạnh đó, môi trường xã hội và cơ chế hiện nay chính là yếu tố khách quan cho phép người ta có điều kiện để tham nhũng. Các cơ chế chúng ta đang có hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát cán bộ.
Cần bịt "lỗ hổng" trong cơ chế làm tha hóa cán bộ
Qua vụ việc trên cũng như nhiều vụ án trước đó, vấn đề cấp thiết là phải tìm ra và "bịt" được những “lỗ hổng” trong cơ chế đã khiến một bộ phận cán bộ bị tha hóa, biến chất.
Và lỗ hổng lớn nhất, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, chính là dân chủ, công khai minh bạch, dù đã được Đảng ta quán triệt nhiều lần nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhiều người, ngoài miệng thì nói trung thành với Đảng, với nhân dân và Tổ quốc nhưng có cơ hội vụ lợi là không từ bỏ.Vấn đề này một lần nữa cho thấy cần đẩy mạnh dân chủ trong Đảng, lấy đức làm trọng(như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chú của Bác Hồ). Không có đạo đức mà Nhà nước giao cho họ quản lý hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là gửi trứng cho ác.
Bên cạnh đó là giám sát của nhiều bên liên quan trong xã hội đặc biệt là người dân và Mặt trận tổ quốc. Nhưng muốn giám sát hiệu quả thì Đảng phải công bố thông tin cần thiết để người dân giám sát và có kênh để cung cấp thông tin từ người dân. Không có thông tin thì việc giám sát rất khó như "thầy bói xem voi". Cơ chế thứ hai là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quản trị quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng, thượng tôn pháp luật là hàng đầu trong việc ngăn ngừa và loại bỏ tham nhũng.
Theo ông Lê Văn Nghiêm (nguyên Cục trưởng Cục thông tin Đối ngoại- Bộ Thông Tin và Truyền thông), những yếu kém, lỏng lẻo dễ nhận thấy nhất thể hiện ngay trong phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng. Cùng với đó, môi trường xã hội lại thiếu các nhân tố để có thể kiểm soát quyền lực. Điều đó dẫn đến việc công khai minh bạch mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước cũng vì thế còn yếu.
Trong môi trường thiếu công khai minh bạch, người dân, báo chí, xã hội khó có cơ hội để giám sát, chưa nói đến phát hiện, xử lý lạm quyền, tham nhũng. Vụ việc AVG có thể nói là rất hiếm hoi được phát hiện sớm, còn hầu hết các trường hợp tham nhũng đều chậm được phát hiện, xử lý.
Bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, với mong muốn Đảng ta tiếp tục không khoan nhượng với những nhóm lợi ích hại dân, hại nước, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, khâu đột phá nằm ở công tác cán bộ, phải đổi mới cơ chế để dễ bề giám sát và kiểm tra. Chỉ có minh bạch, công khai dân chủ, pháp luật được tôn trọng, thực thi thì những kẻ cơ hội mới không có đất để tồn tại./.
Từ khóa: Thương vụ AVG, kết luận điều tra vụ AVG, Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ, cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông nhận hối lộ 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN