Thưởng Tết cho người lao động: Cần sự đồng thuận

Cập nhật: 28/12/2019

VOV.VN -Điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi là quy định có thể thưởng cho người lao động bằng tiền hoặc tài sản, khiến nhiều lao động băn khoăn, lo lắng.

Không ai muốn nhận sản phẩm

Bộ luật Lao động 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019 và đến ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực thi hành, nhưng càng đến gần ngày Tết Nguyên đán, người lao động càng thấy lo lắng.

Chị H (Công ty May Đức Giang, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi khá hoang mang trước thông tin doanh nghiệp (DN) không nhất thiết phải thưởng Tết bằng tiền cho người lao động, mà có thể trả bằng sản phẩm. Nếu thưởng bằng sản phẩm thì chắc theo kiểu cây nhà lá vườn, tức là thưởng bằng sản phẩm của công ty chứ không lẽ DN lại đi mua sản phẩm của công ty khác về thưởng cho công nhân?

thuong tet cho nguoi lao dong: can su dong thuan hinh 1
(Ảnh minh họa)

“Người lao động chúng tôi lương tháng nào hết tháng đấy, trong khi Tết nhất bao nhiêu việc cần chi tiêu, chỉ mong chờ vào mấy đồng tiền thưởng, nay quy định đã đi vào luật, DN có thể dựa vào đó mà không trả thưởng cho công nhân bằng tiền, mà lại phát thưởng cho chúng tôi bằng quần áo của công ty thì chúng tôi biết xoay sở thế nào. Nghe nói năm nay công ty vẫn thưởng Tết cho người lao động bằng tiền, nhưng sang năm khi luật có hiệu lực rồi thì không biết thế nào”- chị H. nói.

Anh Đỗ Hưng (KCN Nam Sách, Hải Dương) cũng bày tỏ lo lắng: “Người ta nói một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Tiền thưởng không chỉ giúp chúng tôi trang trải những chi tiêu trong cuộc sống, nhất là vào những dịp phát sinh nhiều khoản phải chi tiêu như lễ, Tết, mà còn là sự ghi nhận của lãnh đạo đối với công sức làm việc suốt 1 năm trời của người lao động. Chúng tôi không ai muốn nhận sản phẩm của công ty, mà đều mong được nhận tiền mặt, còn sản phẩm công ty chỉ là khoản thưởng thêm để động viên, khuyến khích người lao động”.

Hình thức thưởng phải được đa số người lao động đồng ý

Thời kỳ bao cấp khi nước ta còn khó khăn, đã có không ít DN thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm của công ty, nhưng hiện nay việc đó ít dần. Vài năm trở lại đây cũng có những DN thưởng Tết cho người lao động bằng nhiều hình thức như: trả bằng cổ phiếu, chuyến du lịch hay những tài sản có giá trị như xe máy, ô tô… Trả thưởng kiểu này hầu hết là những DN có kết quả kinh doanh tốt và khoản thưởng bằng hiện vật thường là những tải sản có giá trị. Nhưng thời gian tới khi đã được luật hóa, điều người lao động thực sự lo lắng là những DN có kết quả kinh doanh không tốt có thể dựa vào đó để trả cho người lao động bằng sản phẩm tồn kho của công ty hay không?

Trả lời trên VOV về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban sẽ chỉ đạo các cơ quan ban hành hướng dẫn thực hiện luật, làm sao đảm bảo tiền thưởng phải là sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Người lao động có thể nhận thưởng bằng hiện vật, nhưng hiện vật phải bằng hoặc cao hơn giá trị tiền thưởng và hiện vật ấy phải dùng được, xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Nếu không, người lao động hoàn toàn có quyền từ chối. Vì khoản 2 Điều 104 đã chỉ rõ, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vì vậy, thưởng như thế nào phải được đa số lao động trong DN chấp nhận. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước là thanh tra lao động sẽ thanh tra xử lý những DN thực hiện không đúng luật.

Theo ông Lợi, tiền thưởng là để khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động, gắn bó lâu dài với DN, thúc đẩy sự tăng trưởng của DN. Khi chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận được với nhau về cách trả thưởng là góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, tăng sự gắn kết giữa chủ và thợ. Nếu DN làm không tốt việc trả thưởng chính là DN đang tự làm khó cho mình.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, việc trả thưởng DN không được tự ý quyết định mà phải dựa trên sự tham khảo ý kiến của công đoàn hoặc tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở. Vì thế, người lao động hãy mạnh dạn đề đạt mong muốn của mình với tổ trưởng, với tổ chức công đoàn để họ truyền đạt mong muốn của người lao động đến chủ sử dụng lao động. Người chủ sử dụng lao động “khôn ngoan” sẽ lựa chọn hình thức thưởng mà đa số người lao động trong công ty mong muốn nhằm thu hút và gắn kết người lao động vì sự phát triển bền vững của công ty.

Ông Tiến cho rằng, thưởng bằng tiền mặt để người lao động mua sắm theo ý của họ là thiết thực nhất. Ngoài ra, DN có thể có thêm hình thức thưởng bằng những giá trị vật chất khác mang đúng tính chất khen và thưởng./.

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

(Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2019).



Từ khóa: thưởng Tết, người lao động, thưởng tết bằng hiện vật, Bộ luật lao động

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập