Thương mại tín chỉ carbon, lợi ích kép cho doanh nghiệp
Cập nhật: 19/03/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Việt Nam có 14 triệu hecta rừng, nếu quản lý, phát triển bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, thêm nguồn tài chính xanh cho DN. Bên cạnh đó, các DN sản xuất nếu giảm phát thải dư tiêu chuẩn cũng có thể bán tín chỉ này. Tuy nhiên, đây là việc còn mới mẻ và khó nên không phải DN nào cũng làm được và cần hỗ trợ.
Công ty TNHH Một Thành viên Nam Tây Nguyên có hơn 27.000 ha rừng. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc công ty cho biết, nếu khai thác thương mại tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để thực hiện được việc này sẽ rất tốn nhiều nguồn lực, chi phí, thời gian triển khai và cùng với đó là tháo gỡ các cơ chế chính sách còn vướng mắc.
“Kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi phải có thời gian mình phải làm ngay, làm sớm thì để thu nguồn này sớm. Theo quy định, cơ quan kiểm kê này thuộc Bộ do vậy các tổ chức đủ điều kiện kiểm kê khí nhà kính khó liên hệ để làm, vì cần nguồn lực rất lớn thực hiện nhiều cùng lúc ở nhiều địa điểm quy mô trong cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Bình nói.
Không chỉ doanh nghiệp trồng rừng mà doanh nghiệp dệt may cũng có thể bán tín chỉ carbon nếu lượng phát thải của họ thấp và dư so với tiêu chuẩn quy định.
Cụ thể như, Công ty Việt Thắng Jean với việc đầu tư công nghệ mới của Châu Âu để sản xuất, hiện mức phát thải của doanh nghiệp là 33kg carbon/sản phẩm, dưới ngưỡng quy định của thị trường Châu Âu (EU) (quy định là 34-55kg carbon/sản phẩm).
Dự kiến, đến năm 2026, khi châu Âu áp dụng quy định này đối với hàng dệt may, khi đó mức phát thải của doanh nghiệp sẽ giảm ở mức 18kg carbon/sản phẩm. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ bán tín chỉ carbon lượng giảm thải dư này. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện đầu đổi mới công nghệ để giảm phát thải mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ cao để giảm phát thải. Chúng ta có các quỹ đầu tư, dòng tiền khá dôi dư. Tuy nhiên, phần lớn cho vay ngắn hạn, vì dài hạn sợ rủi ro, vì vậy, doanh nghiệp do dự chưa dám đầu tư, nhưng nếu có hỗ trợ cho vay dài hạn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển đổi đầu tư công nghệ mới”, ông Phạm Văn Việt cho biết.
Hiện nay, Tổ chức ngân hàng thế giới (World Bank) đã ký kết với 15 quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giá chi trả trung bình cho mỗi tấn hấp thụ cácbon là 5 USD. Một số sàn giao dịch tín chỉ cacbon giá cũng rất cao, từ 70-80 EUR/tấn hoặc 30-50 USD/tấn.
Theo ký kết với World Bank, lần đầu tiên Việt Nam bán 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Và năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi khi sản phẩm xuất khẩu giảm phát thải. Vì Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ 1/10/2023 đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. Cơ chế CBAM chính thức áp dụng từ năm 2026 ở nhiều lĩnh vực sẽ tác động đến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Lợi ích về thương mại tín chỉ carbon đã rõ, tuy nhiên, vấn đề là việc thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon và thương mại hóa tín chỉ carbon còn khá mới mẻ với doanh nghiệp và tốn kém chi phí cho việc kiểm đếm.
Về khó khăn kinh phí của quá trình thực hiện các bước để xác nhận những tín chỉ cárbon này, ông Nguyễn Ngọc Tùng, CEO Vinacarbon cho biết, quỹ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Để tạo được tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải. Ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc dữ liệu FPT chia sẻ, đơn vị có những giải pháp công nghệ để giúp doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát thải và giảm phát thải thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thời gian.
Còn ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn Phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam cho biết, việc thực hiện dự án thương mại tín chỉ carbon trong lâm nghiệp khác với dự án lâm nghiệp thông thường. Đó là doanh nghiệp tuân thủ theo tiêu chuẩn carbon mà thị trường yêu cầu: “Trong hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam, chúng tôi cũng đã xây dựng, hiện nay một số tổ chức chứng nhận đủ điều kiện để đi thẩm định, xác minh. Nó đúng quy trình như chứng chỉ rừng, tất cả các đơn vị này sẽ là đơn vị thứ 3 độc lập và thực hiện theo ISO 14. Tất cả quy trình chúng ta đánh giá tuân thủ theo Nghị định 127 và chúng ta có 1 sản phẩm”.
Thương mại tín chỉ cárbon không chỉ mang lại lợi ích về tài chính mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất xanh, nâng cao năng lực xây dựng giá trị thương hiệu của mình. Vì doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng xã hội thì sản xuất phải phát thải thấp bảo vệ màu xanh của quả đất này.
Từ khóa: tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, tài chính xanh, phát triển bền vững
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lệ hằng/vov-tphcm
Nguồn tin: VOVVN