Thương mại điện tử thay đổi diện mạo khi nhiều người có kỹ năng số
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Cần xác định vai trò của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là vô cùng quan trọng.
Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam có tốc độ phát triển cao trong khu vực khi chiếm tới gần 4,2% tổng mức hàng hoá bán lẻ dịch vụ tiêu dùng của cả nước, doanh thu đạt trên 8 tỷ USD năm 2018. Trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tiếp tục tạo ra sự thay đổi về chất của TMĐT cũng như diện mạo của hoạt động thương mại và phương thức kinh doanh.
Ngày nay, người tiêu dùng Việt Nam đã biết tận dụng tối đa internet để tra cứu thông tin hàng hoá, tìm kiếm người bán hàng có ưu tín… Nhưng ở góc độ người bán hàng là những DN, câu chuyện không dễ dàng như vậy. DN Việt Nam và các hộ kinh doanh cá thể luôn mong muốn làm thế nào để ứng dụng internet giúp bán hàng được nhiều hơn, nhanh hơn.
Chia sẻ về ước mơ, hành trình và những thành công của mình khi sáng lập và trở thành Giám đốc Công ty TNHH Sapa O’Chau - Công ty chuyên kinh doanh các loại hình du lịch, cô gái người Mông đến từ Sa Pa (Lào Cai) Tẩn Thị Su cũng đã từng gặp nhiều khó khăn, khi không biết làm thế nào để khách hàng tiếp cận được với DN của mình, mặc dù được nhiều bạn bè giúp đỡ nhưng cô gái vùng cao này vẫn chưa hề biết đế kỹ thuật số.
Ứng dụng Primer giúp người học có thêm các kỹ năng số, để có thể lập kế hoạch kinh doanh nhanh chóng. |
Rất tình cờ khi Su biết đến chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” do Bộ Công Thương và Tập đoàn Google khởi động năm 2018. Tham gia chương trình, dần từng bước Su nhận thấy công cụ online rất hiệu quả khi update hoạt động của DN mình đến với khách hàng trên toàn thế giới. Chỉ 9 tháng sau khi tham gia Chương trình Việt Nam Digital 4.0 và áp dụng kiến thức vào DN, số lượng khách hàng của Sapa O’Chau đã tăng lên 20%.
Su mong muốn những kiến thức của mình thu lượm được từ Việt Nam Digital 4.0 sẽ được lan tỏa đến đồng bào các dân tộc ở Sa Pa, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, yếu thế nên đã đề xuất với chương trình để trở thành một giảng viên truyền thụ kiến thức về kĩ năng số cho đồng bào dân tộc miền núi nơi Su đang sinh sống và kinh doanh.
“Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 thực sự đã mang mùa Xuân đến với những người dân vùng cao Sa Pa. Để hiểu được các kĩ năng số đối với những người khác sẽ là rất đơn giản, nhưng đối với đồng bào dân tộc, tiếng Việt còn nói chưa tốt huống chi đến việc học được các kỹ năng số. Nhưng Su tin rằng, dù còn khó khăn nhưng với quyét tâm cao, đồng bào dân tộc sẽ nắm bắt được các kỹ năng số để chia sẻ những nét đặc trưng, những nông sản, đặc sản của quê hương mình cho bạn bè quốc tế. Su tin rằng với những kiến thức nhỏ bé của mình sẵn sàng giúp đỡ cho những ai có quyết tâm khởi nghiệp”, Tẩn Thị Su chia sẻ.
Đào tạo kỹ năng số cần nhiều chủ thể tham gia
Xác định đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh cơ bản cho cộng đồng và doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp DN giảm khoảng cách về cạnh tranh năng lực, bà Đỗ Mỹ Ninh, Giám đốc Maketing Google Việt Nam chia sẻ, chương trình Việt Nam Digital 4.0 bắt đầu với 8 bài học, đến nay đã có 24 bài học khác nhau đã hiện diện trên 38 tỉnh thành của cả nước.
“Trong suốt hơn 1 năm thực hiện chương trình, đã có 85.000 người được đào tạo. Đầu tư vào phát triển công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, đại đa số (khoảng 98%) doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP”, bà Ninh cho biết.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận, Chính phủ đã đưa ra tầm nhìn lớn, với mong muốn biến thương mại điện tử trở thành một trong những công cụ phổ biến, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Do đó, Bộ Công Thương mong muốn đưa kiến thức từ Việt Nam Digital 4.0 lồng ghép vào chương trình đào tạo của các địa phương trên cả nước. Truyền tải tới 500.000 DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, sinh viên khởi nghiệp… giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, trực quan hơn với kiến thức số.
Những năm qua, Bộ Công Thương đã xác định rõ vai trò của việc xây dựng tầm nhìn chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là vô cùng quan trọng. Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực này không chỉ dựa vào hệ thống đào tạo chính quy, mà còn dựa vào việc đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đa dạng hóa các hình thức đào tạo cho nhóm nguồn nhân lực này.
Theoông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, với quy mô của một nền kinh tế có trên 700.000 doanh nghiệp cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, để đào tạo nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi một nỗ lực vô cùng to lớn của nhiều chủ thể cùng tham gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương hoan nghênh sáng kiến của tập đoàn Google hợp tác với Bộ Công Thương trong triển khai Chương trình với tên gọi “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” sẽ mang tri thức mới của kỷ nguyên số tới đông đảo người Việt Nam, đặc biệt là đến cả những đối tượng yếm thế trong xã hội. Với sự đầu tư nghiêm túc của Google cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, hai bên sẽ cộng hưởng lợi thế để mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam./.
Mở cơ hội kinh doanh cho 500.000 người nhờ tiếp cận kĩ năng số
Từ khóa: nguồn nhân lực, kĩ năng số, cơ hội kinh doanh, bệ phóng việt nam digital 4.0, đào tạo nguồn nhân lực
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN