Thương mại điện tử hướng tới tạo lập niềm tin số

Cập nhật: 29/06/2024

VOV.VN - Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất trên thế giới trong nhiều năm qua và dự báo trong 5 năm tới vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trên 25%/năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại điện tử lo ngại rằng, các xu hướng kinh doanh mới trên mạng xã hội, trên các trang web online… có thể trở thành rào cản cho sự phát triển thương mại điện tử bền vững, nếu gây mất niềm tin cho khách hàng.

Thương mại điện tử liên tục giữ vị trí tăng trưởng thuộc Top đầu thế giới đã khẳng định được vị trí tiên phong của lĩnh vực này trong quá trình phát triển kinh tế số những năm qua. Thống kê tại Việt Nam, năm 2022, thương mại điện tử tăng trưởng 20%, đạt quy mô là 16,4 tỷ USD.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt 25% và tổng quy mô thị trường tăng thêm hơn 4 tỷ USD so với năm 2022. Các chuyên gia nhận định: thời gian tới, muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành của doanh nghiệp. Bởi cách kinh doanh, chất lượng sản phẩm, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp chính là những điều kiện cần và đủ để giữ chân khách hàng.

Ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, phân tích: “Trong 10 năm qua, mặc dù thương mại điện tử của chúng ta phát triển rất nhanh về số lượng, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng Việt Nam còn e ngại trong việc mua hàng trực tuyến là chất lượng không đi đôi với quảng cáo. Thứ hai là không tin tưởng đơn vị bán hàng, khó kiểm định chất lượng hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, rồi rất nhiều các yếu tố khác. Từ góc độ quản lý Nhà nước, thì chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử”.

Từ ngày 1/1/2022, khi Nghị định số 85 NĐ/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 NĐ/CP về thương mại điện tử có hiệu lực, các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Từ đó, đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ (kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu) để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, với các xu hướng mua sắm thương mại điện tử mới, cũng cần có thêm các quy định, giúp tạo lập niềm tin số cho khách hàng.

“Tem tín nhiệm số bao trùm cả độ tin cậy thương nhân, lẫn độ tin cậy của nền tảng. Tem này sẽ được đánh giá thường xuyên, sẽ trực tiếp góp phần tạo nên và củng cố niềm tin của khách hàng, để đi đến giao dịch. Thứ hai là tem sẽ làm cầu nối cho các chức năng quản lý nhà nước của các bộ chuyên ngành. Thứ ba, thúc đẩy thương mại điện tử. Vậy, đấy là cái nếu chúng ta muốn nói chuyện đến niềm tin số, thì hữu hình hóa nó để trở thành một cái gì đấy (nếu không cầm nắm được, thì cũng phải nhìn thấy được), để chúng ta đẩy mạnh việc giao dịch trên môi trường số và gián tiếp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số” - ông Lâm Quang Nam nói.

Thương mại điện tử sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng rất mạnh mẽ cho ngành bán lẻ, nếu như các thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng số khác nhau vẫn luôn quan tâm đến việc làm hài lòng khách hàng. Có như vậy, thì dự báo về tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm trong 5 năm tới của YouNet ECI (đơn vị phân tích dữ liệu thị trường thương mại điện tử phục vụ các thương hiệu tại Việt Nam) mới trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Bộ phận phân tích thị trường YouNet ECI, Tập đoàn YouNet Group nhận định: “Xu hướng tương lai là giá trị cao và kết hợp mua sắm giải trí, thì đây là những động lực tăng trưởng trên thương mại điện tử. Để người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu vài chục triệu trên thương mại điện tử, thì các sàn, các công ty, các nhãn hàng gỡ được bài toán là chính sách bảo hành, cũng như các dịch vụ hậu mãi. Tức là người tiêu dùng có mua bất kỳ kênh nào đi chăng nữa, thì dịch vụ bảo hành, hậu mãi vẫn được triển khai trên kênh offline như thông thường”.

Từ khóa: thương mại điện tử, thương mại điện tử, niềm tin số, kinh tế số, Việt Nam

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: mai hạnh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập