Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp trụ vững trong dịch Covid-19
Cập nhật: 16/02/2021
VOV.VN - Thương mại điện tử là một kênh hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm những khách hàng mới, tăng doanh thu…
Dịch Covid-19 xảy ra đã cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Theo đó, ngoài việc tìm kiếm thị trường, khách hàng theo các kênh truyền thống, thì hiện nay thương mại điện tử (TMĐT) là một kênh hỗ trợ, giúp DN có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm những khách hàng mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp khó lường, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tiếp tục trụ vững và phát triển, yêu cầu đặt ra cho các DN là phải chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ bán hàng trực tuyến…Bởi phát triển TMĐT là 1 kênh hỗ trợ, giúp DN có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm những khách hàng mới và tiết kiệm chi phí giao dịch.
Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc vận hành và kinh doanh Công ty Innovative Hub Việt Nam cho rằng, để bán hàng hiệu quả trên các sàn TMĐT cần tận dụng số hóa thông minh trong chiến lược marketing của DN để đem lại hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó, các DN cần quan tâm hơn đến việc xây dựng về nhận diện thương hiệu của mình, khi mà hiện nay người mua hàng thường ghé đến nhiều nhất là các kênh trực tuyến, công cụ tìm kiếm, website của nhà cung cấp…
“Đầu tiên là các DN phải có website, thứ hai nếu với DN đã chọn lựa 1 nền tảng TMĐT vẫn nên tham gia phối hợp với các bên hoặc thậm chí là các công ty đối tác, để hỗ trợ cho DN phải đảm bảo hiệu quả trên nền tảng đó. Ngoài việc DN có sản phẩm tốt vẫn nên có hình ảnh chỉn chu và thông tin nội dung của sản phẩm phải phù hợp, đúng và đầy đủ chi tiết… Từ đó giúp người mua hàng tìm kiếm về sản phẩm tốt hơn, và khi đó họ cũng tin tưởng vào sản phẩm của DN nhiều hơn”, ông Phúc chia sẻ kinh nghiệm.
Là DN sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ, bà Đoàn Thúy, Công ty TNHH Glovimex cho biết, khi chuyển đổi từ mô hình offline sang online, DN đã tìm hiểu các kênh marketing online, kết hợp nhiều kênh bao gồm các sàn TMĐT, các kênh mạng xã hội, website DN… để quảng bá sản phẩm của mình. Dần dần, sản phẩm của công ty đã có vị thế nhất định trên sàn TMĐT.
“Khi DN chuyển đổi sang kinh doanh theo phương thức TMĐT, doanh thu bán hàng tăng gấp 2 lần so với phương thức truyền thống. Đặc biệt với sản phẩm của DN là thủ công truyền thống, nếu đưa tham gia các hội chợ chi phí tốn kém hơn lại chỉ có một số dịp nhất định trong năm. Khi DN có TMĐT hỗ trợ giúp tiết kiệm được chi phí đi lại, nhân sự, đồng thời tiếp cận nhiều khách hàng và đơn hàng nhiều hơn từ đó tăng được doanh thu”, bà Đoàn Thúy chia sẻ.
Tuy nhiên, TMĐT cũng có nhiều rủi ro từ công nghệ hay lừa đảo, hackers, đồng thời chịu tác động bởi các lệnh cấm vận về kinh tế... Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, chi tiết và cụ thể, tìm hiểu và nắm bắt luật chơi trên các sàn thương mại điện tử để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ thiệt hại về kinh tế./.
Từ khóa: chuyển đổi số, thương mại điện tử, phương thức kinh doanh, chính sách bán hàng, phòng ngừa rủi ro
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN