Thượng đỉnh G20: Những giải pháp thay đổi triển vọng kinh tế thế giới

Cập nhật: 16/11/2022

VOV.VN - Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - những quốc gia chiếm 75% thương mại quốc tế, được kỳ vọng có thể làm được nhiều điều để thay đổi triển vọng của nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới suy thoái, với tình trạng lạm phát tăng, khủng hoảng an ninh lương thực cùng với các mối đe dọa song song của cú sốc giá dầu và khủng hoảng tài chính. Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - những quốc gia chiếm 75% thương mại quốc tế, được kỳ vọng có thể làm được nhiều điều để thay đổi triển vọng của nền kinh tế thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, khi lãi suất tăng trên khắp thế giới đang làm chậm tốc độ tăng trưởng và làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Đồng USD mạnh lên đang làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần của các nền kinh tế đang phát triển, làm tăng khả năng vỡ nợ của các chính phủ.

Trong dự báo mới nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và giảm xuống còn 2,7% vào năm 2023. Tăng trưởng của Trung Quốc dường như cũng chững lại và nền kinh tế một số quốc gia như Anh bước vào thời kỳ suy thoái. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước thế giới đã chỉ ra những vấn đề chính mà G20 có thể làm để thay đổi triển vọng kinh tế của thế giới.

Thứ nhất củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, loại bỏ các rào cản, đặc biệt là đối với thực phẩm và phân bón để đảm bảo không gián đoạn chuỗi an ninh lương thực toàn cầu được nhiều nước ủng hộ tại hội nghị G20. Các nước cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới chia rẽ và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn. 

Về cơ bản, các nước cần thúc đẩy việc tạo ra một hệ thống lương thực bền vững và có khả năng phục hồi. Các hoạt động thương mại cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử, tạo ra các mặt hàng có sẵn và có thể tiếp cận được bởi tất cả các quốc gia. Với tác động của cuộc xung đột Ukraine gần đây, “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” do Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được quan tâm, với hi vọng có thể được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 19/11 tới.

Trong một dấu hiệu tích cực, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đã nhận được cam kết về việc Mỹ và EU sẽ loại bỏ những trở ngại đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. “Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tôi đã nhận được thông báo về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là thiện chí tốt nếu các biện pháp được thực hiện để gỡ bỏ rào cản đối với việc xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang chờ đợi các hành động thực tế”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Thứ hai là vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển. Khuôn khổ chung về xử lý nợ của G20 cuối cùng cũng bắt đầu được thực hiện, với Cộng hòa Chad là quốc gia đầu tiên hoàn tất thỏa thuận với các chủ nợ chính thức và khu vực tư nhân. Tuy nhiên các nước G20 cho rằng, cần thêm nhiều quốc gia được hỗ trợ. Trong dự thảo của văn kiện dự kiến được thông qua sau Hội nghị thượng đỉnh G20, bày tỏ lo ngại về tình hình "xấu đi" của một số quốc gia có thu nhập trung bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các chủ nợ phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Nhiều nước cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nên thúc đẩy các nỗ lực tái cơ cấu nợ cho các quốc gia gặp nhiều khó khăn. Nội dung này được đề cập trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Trung Quốc, với việc hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đàm phán về vấn đề xóa nợ được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy tiến triển về vấn đề này.

Thứ ba, đầu tư vào khả năng phục hồi. Tại hội nghị G20 các nước kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển carbon thấp, có thể cải thiện mức sống cho người dân toàn cầu. Dự thảo văn kiện sau hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết, các ngân hàng Trung ương G20 sẽ hiệu chỉnh việc thắt chặt tiền tệ để chú ý đến vấn đề lạm phát toàn cầu, trong khi các biện pháp kích thích tài chính nên là "tạm thời và có mục tiêu" để giúp đỡ những nhóm dễ bị tổn thương trong khi không làm giá cả tăng vọt./.

Từ khóa: kinh tế thế giới, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập