Thực tập sinh kỹ năng cao đẳng: Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài, tạo việc làm bền vững cho người lao động khi về nước, Công ty Cổ phần hợp tác lao động và Thương mại (LABCO) đang áp dụng chương trình “Thực tập sinh kỹ năng cao đẳng” giúp người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động về nước được nhận bằng cử nhân cao đẳng. Đây là con đường lập thân, lập nghiệp mới cho nhiều bạn trẻ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024. Đánh giá về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ngoài các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc thì một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia...

Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề và từ 500 - 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tiếp là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc trong nhiều lĩnh vực. Thỏa thuận mới cũng mở rộng nhóm tuyển dụng lẫn điều kiện đưa đi bởi phía Nhật muốn tăng số lượng làm việc trong các bệnh viện lớn.

Năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức... Để đạt được mục tiêu đề ra. Thời gian tới Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu, hoạt động trong lĩnh vực phái cử lao động sang nước ngoài làm việc 25 năm, bà Vi Thị Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc  Công ty Cổ phần hợp tác lao động và Thương mại (LABCO) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thị trường lao động ngoài nước đặt ra nhiều yêu cầu mới.

Nhìn lại khoảng 10 năm trở về trước, bà Nguyệt cho biết, thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu đưa người lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc, với mục đích xóa đói giảm nghèo là chính, phía các doanh nghiệp nước ngoài cũng chủ yếu cần nhân lực phổ thông cho các nhà máy. Song cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đã nâng cao rất nhiều.

“Ngày nay, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao. Nhất là sau dịch Covid-19, họ rất cần những lao động có trình độ thực sự, bởi  dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu cần thay đổi, thanh lọc lại hệ thống cũng như hoạt động có hiệu quả hơn. Sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới, chỉ những doanh nghiệp làm việc hiệu quả mới có thể tồn tại được, còn lại các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ nhanh chóng bị cạnh tranh.

Các công ty đối tác của chúng tôi ở thị trường nước ngoài đều yêu cầu lao động có văn hóa, đạo đức, tri thức, kỹ năng, ngoại ngữ tốt. Điều này cũng rất đúng với chủ trương của Bộ LĐ-TB-XH về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cả ở trong nước cũng như nước ngoài”, bà Nguyệt thông tin.

Bà Vi Thị Minh Nguyệt cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, lao động giá rẻ không còn là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, khi lựa chọn đối tác nước ngoài, LABCO luôn lựa chọn các công ty đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cũng như thu nhập tốt cho người lao động. Tại đó, người lao động phải được học tập thực sự để phát triển kỹ năng tay nghề.

Từ những yêu cầu thực tế của thị trường lao động, trong những năm qua, LABCO luôn trăn trở để nghiên cứu, tìm ra hướng đi mới, "thoát xác" khỏi cách làm truyền thống về xuất khẩu lao động trước đây, xây dựng chương trình đào tạo giúp người lao động nâng cao năng lực, vị thế và có thu nhập cao, quan trọng hơn nữa là người lao động có bằng cấp sau khi kết thúc thời gian làm việc tại nước ngoài.

Theo đó, tại LABCO đang triển khai chương trình “Thực tập sinh kỹ năng cao đẳng”, khi tham gia, người lao động sẽ vừa làm, vừa học và nhận bằng cao đẳng do các trường cao đẳng tại Việt Nam cấp. 

“Trước đây, lao động tại nhiều tỉnh thành sau khi đi xuất khẩu lao động về nước, tích góp được 1 khoản tiền thường dùng để xây sửa nhà cửa, hoặc chi tiêu một thời gian là hết. Việc tạo sinh kế, giúp người lao động tiếp tục phát triển sau khi lao động ở nước ngoài trở về cũng là vấn đề “nóng” và khó ở nhiều địa phương. Chúng tôi hiểu rõ rằng, việc tạo thu nhập cao cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài là quan trọng, nhưng tạo việc làm bền vững khi về nước càng quan trọng hơn nữa. 

Từ những trăn trở này, LABCO đã phối hợp với các trường cao đẳng trong nước nghiên cứu xây dựng một chương trình đào tạo trình lên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH).

Trong đó, sinh viên sẽ có một số học phần học trực tiếp trong nước trước khi xuất cảnh, phần kiến thức còn lại sẽ tiếp tục được đào tạo từ xa, hình thức vừa học vừa làm sau khi xuất cảnh. Với hình thức đào tạo này, sinh viên vẫn có thể đi làm bình thường và dành ra một quỹ thời gian nhất định trong tuần để học các tín chỉ. Các công ty đối tác đánh giá rất cao chương trình đào tạo này, họ cũng sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ để người lao động có thời gian hoàn thành chương trình học”, bà Nguyệt thông tin.

Theo bà Nguyệt, tham gia chương trình này, sau khi hết hợp đồng lao động về nước, ngoài số tiền kiếm được, người lao động còn trang bị thêm được một bằng tốt nghiệp cao đẳng - là điều kiện tiền đề để có những công việc tốt hơn khi quay lại thị trường lao động trong nước.

Hiện nay, LABCO đang triển khai chủ yếu chuyên ngành đào tạo về ngôn ngữ, phiên dịch, đây là ngành sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi nhất khi học, bởi đã sẵn môi trường thực tế để thực hành và ứng dụng hàng ngày. Với trình độ ngoại ngữ tốt, được đào tạo bài bản, sinh viên sẽ có cơ hội làm phiên dịch tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc khi về nước.

Bên cạnh đó, còn một số chuyên ngành khác như kỹ thuật ô tô, cơ khí… Tất cả các chuyên ngành học đều được thiết kế theo hướng sinh viên học trước các môn cơ bản trong nước, giai đoạn sang nước bạn làm việc sẽ được học tiếp những môn mang tính thực hành, ứng dụng sát với công việc làm hàng ngày.

“Trong những năm qua, khi đưa sinh viên đi làm việc và học tập tại nước ngoài theo chương trình này, chúng tôi nhận được sự phản hồi, đánh giá tích cực từ gia đình và cả các doanh nghiệp đối tác. Các đối tác đều đánh giá sinh viên đi làm việc theo chương trình chất lượng cao chăm chỉ, có ý thức làm việc, có trình độ chuyên môn và tay nghề tốt hơn, hạn chế phát sinh các vấn đề tiêu cực”, bà Nguyệt nói.

Đặc biệt, theo bà Nguyệt, LABCO đã làm việc với các đối tác nước ngoài để tài trợ hoàn toàn học phí cho sinh viên khi tham gia chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều hình thức nhằm hỗ trợ, khuyến khích người lao động tham gia chương trình đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề. Đơn cử như tại Nhật, doanh nghiệp áp dụng chính sách tăng lương khi người lao động thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nhật cao hơn. Qua theo dõi cho thấy, thu nhập của sinh viên tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao ngày càng được cải thiện tốt hơn. 

Với lịch sử hình thành và phát triển 25 năm, LABCO luôn đề cao phương châm giúp thanh niên Việt Nam đi để trở về khởi nghiệp: “Chúng tôi hy vọng, tất cả thực tập sinh, người lao động do LABCO đưa đi nước ngoài học tập và làm việc về nước sẽ nhận được 2 kết quả là vốn liếng và bằng cấp. Điều đó đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho người lao động. Đây cũng là mục tiêu giúp thanh niên đi để trở về khởi nghiệp”, bà Nguyệt chia sẻ.

Từ khóa: thực tập sinh, thực tập sinh kỹ năng, xuất khẩu lao động, nhật bản, chất lượng nguồn nhân lực

Thể loại: Xã hội

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập