Thực hiện dự án đô thị lấn biển Cần Giờ phải có chương tình giám sát về môi trường
Cập nhật: 30/03/2021
Nhộn nhịp thị trường hoa Tết tại thủ phủ Tây Nguyên
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
VOV.VN - Cần phải có bộ tiêu chí về các lĩnh vực để giám sát và thực hiện công tác quản lý, đánh giá tác động, từ đó có các giảm pháp giảm thiểu tác động tới môi trường khi thực hiện dự án đô thị tiến biển Cần Giờ.
Đây là ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo “TPHCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do Ban Kinh tế Trung ương và UBND TPHCM tổ chức sáng nay (30/3).
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, thành phố cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển. Việc này gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế, trong đó có vịnh Cần Giờ là cơ hội thay đổi phương thức, mô hình phát triển từ dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.
Theo ông Hoan, kết nối vùng để xây dựng kinh tế biển mạnh và bền vững cần có cơ chế cho liên kết vùng, đưa TPHCM trở thành trọng tâm thu hút các nguồn lực phát triển, làm động lực lan toả và thúc đẩy toàn vùng. Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vị thế biển của TPHCM trong hệ thống các thành phố biển quốc tế, trở thành điểm đến quan trọng trên con đường thương mại liên đại dương.
PGS. TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết: Dự án đô thị tiến biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha đã được báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, được các chuyên gia đánh giá qua nhiều vòng họp và chủ đầu tư đã bổ sung nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường, đề xuất các biện pháp giảm thiểu.
Việc tác động khi triển khai dự án tới môi trường là có, vấn đề là lựa chọn mô hình, quy mô phát triển và cách thức triển khai như thế nào để giảm thiểu tác động. Do đô thị tiến biển Cần Giờ cách khu dự trữ sinh quyển 18km nên tác động trực tiếp sẽ không đáng kể, chủ yếu là tác động gián tiếp thông qua quá trình địa động lực, tương tác với biển mà cần phải có quan trắc cụ thể.
Tuy nhiên, PGS. TS Lưu Thế Anh nhấn mạnh, phải có chương trình giám sát về môi trường trong quá trình thực hiện dự án: “Chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, công khai tất cả thông tin để xã hội, các nhà khoa học thấy rõ và tránh những bình luận không đúng, một chiều. Cần phải có bộ tiêu về các lĩnh vực để giám sát và thực hiện công tác quản lý. Sau các giai đoạn thì đánh giá và nhìn thấy xu thế tác động đi lên hay đi xuống, hoàn toàn có được các giải pháp giảm thiểu”./.
Từ khóa: dự án đô thị, đô thị lấn biển, biển Cần Giờ, TPHCM, giám sát môi trường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN