Thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam

Cập nhật: 08/12/2023

VOV.VN - Sáng nay (8/12), tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam" nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (10/12/1948-10/12/2023) và 30 năm Hội nghị Thế giới về quyền con người thông qua bản Tuyên bố và Chương trình hành động viên.

"Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người" gồm 30 Điều quy định các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng phẩm giá con người, về quyền bình đẳng của con người. Vượt lên trên mọi sự khác biệt về văn hóa, Tuyên ngôn khẳng định: Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền; không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác nhau; nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần, xuất thân hay địa vị xã hội, miễn là con người thì được hưởng quyền con người. Tuyên ngôn đã đặt cơ sở nền tảng lịch sử, chính trị, pháp lý và đạo đức cho việc ghi nhận giá trị phổ quát của quyền con người trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: "Bản tuyên ngôn phổ quát của quốc tế về quyền con người năm 1948 là một giá trị. Thứ nhất giá trị quyền con người. Thứ hai là giá trị pháp quyền. Thứ ba, giá trị Nhà nước pháp quyền. Những giá trị mà hiện nay trong hoạt động học thuật thực tiễn chính trị và thực tiễn của đời sống xã hội cùng chúng ta đều nhắc đến. Vấn đề quan trọng hiện nay là các giá trị đó cần phải được tiếp nhận tiếp tục phát triển sáng tạo trong quá trình đổi mới Việt Nam."

"Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người" được xem là hình mẫu cho những hành vi lập hiến, lập pháp và tư pháp của các quốc gia. Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản.

Nội dung của các công ước đã được nội luật hoá kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Gần đây nhất, cuối tháng 11 năm nay, Việt Nam đã có phiên đối thoại quốc gia với Uỷ ban Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Để tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, PGS. TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Muốn bảo vệ, bảo đảm tốt được quyền lợi của người dân thì nhiệm vụ tối quan trọng là nâng cao nhận thức người dân. Người dân phải hiểu biết được quyền của mình và muốn biết được quyền đó thì phải thông qua giáo dục. Giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội, của người dân về quyền khi người dân, khi cá nhân công dân biết được mình có những quyền gì thì có thể tự bảo vệ được quyền của mình. Thông qua các cơ chế khác nhau, từ chuyện khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước. Biết quyền của thì tự bảo vệ và phải tôn trọng quyền và tự do của người khác và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".

Từ khóa: quyền con người, con người,thời kỳ đổi mới,Thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam,hội thảo khoa học,học viện chính trị quốc gia

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lại hoa/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập