Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ
Cập nhật: 16/02/2022
(VOV5) - Khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định,
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức ngày 15/2/2022 tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định.
Vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể
Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Tính đến 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Theo số liệu mới nhất, năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ cùng với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, 5 nhóm chính sách được đề xuất nhằm hướng tới phát triển khu vực kinh tế hợp tác ngày càng năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các nhóm chính sách bao gồm:
5 nhóm chính sách phát triển kinh tế tập thể
Nhóm chính sách thứ nhất về hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã. Theo đó, mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã theo hướng công dân dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người không định cư ở Việt Nam, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cán bộ công chức, viên chức đều có thể tham gia khu vực hợp tác xã …Cùng với đó, làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin hợp tác xã theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về nội dung, cách thức, thời hạn cung cấp thông tin của khu vực hợp tác xã cho thành viên, các cơ quan chức năng; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc báo cáo, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tăng cường tính minh bạch, bảo vệ lợi ích thành viên…
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức ngày 15/2/2022 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Nhóm chính sách thứ hai về hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện. Theo đó, Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng tổ hợp tác hoạt động lâu dài phải đăng ký thành lập; Liên đoàn hợp tác xã vào Luật Hợp tác xã sửa đổi; hoàn thiện các quy định để làm rõ vị trí và vai trò tổ chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phù hợp với bản chất, các quy định hiện hành và hội nhập với thế giới.
Nhóm chính sách thứ ba về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển. Theo đó, Chính phủ sửa đổi quy định giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các đối tượng không phải thành viên theo hướng điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định, sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định lợi nhuận thu được từ giao dịch bên ngoài được trích lập quỹ dự trữ và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giống như doanh nghiệp, giao dịch nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, vừa định hướng, khuyến khích hoạt động khu vực hợp tác xã về đúng bản chất là phục vụ thành viên, phát triển thị trường nội bộ, đồng thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia, mở rộng thị trường giống như doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Tiếp đến, nhóm chính sách thứ tư về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, Chính phủ nghiên cứu bổ sung một chương riêng về kiểm toán. Quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thế giới, pháp luật về kiểm toán ở Việt Nam.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, kinh tế tập thể, phát triển , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 13-NQ/TW, Luật Hợp tác xã
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5