Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Cập nhật: 05/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 3 quý vừa qua tiếp tục đạt thấp so với yêu cầu đặt ra. Không những vậy, kế hoạch vốn đầu tư công năm nay được giao thấp hơn 50.000 tỷ đồng so với năm ngoái, nhưng 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân của cả nước thấp hơn tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nỗ lực của các bộ ngành và địa phương là chưa đủ.
Theo tổng hợp báo cáo của Bộ Tài chính, việc chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay, vẫn do những khó khăn, vướng mắc cũ chưa được giải quyết dứt điểm, như: Vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Nhưng trong những khó khăn vướng mắc chung này, vẫn có những bộ ngành và địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nỗ lực vượt bậc thì cũng có thể vượt qua. Tại Hà Tĩnh, 9 tháng qua đã giải ngân được 81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần được đẩy mạnh, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là dự án lớn, trọng điểm. Thứ 2 là khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đấu thầu, khởi công dự án mới; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch năm 2024 đối với dự án có tiến độ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân nhanh; chỉ đạo nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công hợp lý, tăng ca và tập trung vào thời điểm thời tiết thuận lợi”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Còn ở tỉnh Hòa Bình, 9 tháng qua giải ngân được hơn 68% kế hoạch vốn đầu tư công, có phần nỗ lực chung của các sở ban ngành và từng chủ đầu tư trên địa bàn. Ông Đặng Đình Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP.Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi phấn đấu đạt 100% kế hoạch, trong quá trình triển khai chúng tôi thành lập các nhóm triển khai, xây dựng kế hoạch chi tiết và lập biểu đồ theo tuần, chậm, thì lên bàn tháo gỡ. Với tiến độ này và thời tiết ủng hộ thì chúng tôi đạt kế hoạch tỉnh và thành phố giao”.
Ông Lê Hoài Thanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Hòa Bình chia sẻ về nỗ lực từ phía cơ quan thanh toán vốn, nhất là vào các thời gian cao điểm giải ngân vốn vào cuối tháng, cuối quý: “Chúng tôi giảm thiểu thời gian kiểm soát còn 1-2 ngày, thời gian cao điểm 30/9 bố trí cán bộ đi làm cả ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, kiểm soát nhanh hồ sơ cho chủ đầu tư. Tình hình giải ngân dự báo vượt dự toán Chính phủ và đạt hơn 95% dự toán được giao”.
Kinh nghiệm từ Hà Tĩnh và Hòa Bình cho thấy, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, rõ người rõ việc, phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu và đơn vị thanh toán, đã giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã nhấn mạnh với các đơn vị trên địa bàn đăng ký quyết tâm, có biểu hiện không dám làm thì sẽ xử lý nghiêm.
Dựa trên tinh thần này, dù đến nay mới giải ngân được 20% kế hoạch vốn đầu tư công, nhưng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.Hồ Chí Minh quyết định không điều chỉnh chỉ tiêu mà sẽ tập trung các giải pháp để giải ngân ở mức cao nhất, phấn đấu đạt hơn là 95% kế hoạch năm. Về cơ chế chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu giải pháp: “Kỳ vọng cùng đưa vào áp dụng các Luật mới như luật nhà ở, luật đất đai, thì đồng bộ là thông tư để tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản và dự án mới để giải quyết các vướng mắc”.
Nền kinh tế đã bước vào quý 4, quý tăng tốc cuối năm và đối với đầu tư công, sau quá trình tích lũy khối lượng thi công trong 3 quý qua, thì cũng sẽ bước vào giai đoạn cao điểm thi công, lập hồ sơ thanh toán và giải ngân. Giữa tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1006 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại đơn vị và địa phương. Do đó, các bộ ngành, địa phương cho đến từng chủ đầu tư, cần quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Về phía cơ quan tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, đảm bảo khoa học, hiệu quả triển khai dự án đầu tư công, có khối lượng hoàn thành nghiệm thu thì lập ngay hồ sơ thanh toán để giải ngân.
Theo tổng hợp và ước tính của Bộ Tài chính, đến hết quý 3 năm nay, tức là tính đến hết tháng 9, cả nước mới giải ngân được hơn 320.560 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, và thấp hơn mức 51% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân được 55% kế hoạch. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được triển khai tích cực khi đã giải ngân được hơn 80% kế hoạch.
Trong 9 tháng qua, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước, như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Long An, Hòa Bình, Tiền Giang và Thanh Hóa. Tuy nhiên, vẫn còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý như đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vẫn chưa phân bổ được vốn và đang có tỷ lệ giải ngân là 0%. Các cơ quan như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Đặc biệt, hai đầu tầu kinh tế là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đều được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn, ở quanh mức 12% của cả nước, nhưng có tỷ lệ giải ngân chưa cao, đã ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Tính đến hết tháng 9, TP.Hồ Chí Minh mới giải ngân được hơn 21% kế hoạch, còn TP.Hà Nội có tỷ lệ cao hơn, nhưng cũng chưa đến 39% kế hoạch.
Từ khóa: đầu tư công, đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trung hiếu/vov1
Nguồn tin: VOVVN