Thừa Thiên Huế liên kết tạo điểm đến xanh và bền vững

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, nâng cao hình ảnh, vị thế, góp phần phát triển ngành du lịch theo hướng xanh và bền vững.

Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch hơn 2 triệu lượt khách, trong đó, có hơn 260.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch hơn 4.500 tỷ đồng. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 7.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Huế hơn 3 triệu lượt, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Vào các dịp lễ lớn, công suất phòng bình quân các khách sạn trên 80%. Top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế phải kể đến: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Pháp, Anh, Australia, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…

Để đạt kết quả này, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ở tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách. Ông Nguyễn Ích Hiếu - Giám đốc khách sạn Mường Thanh Huế cho biết: “Khách quốc tế đến với Mường Thanh Huế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi luôn luôn hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ mọi thành phần khách. Chúng tôi luôn lấy tiêu chuẩn chất lượng làm nền tảng cốt lỏi để phát triển bền vững”.

Thừa Thiên Huế vừa lọt vào top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á. Cùng với chuỗi hoạt động Festival Huế 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình hội nghị “Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Huế - 2024” giữa các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước.

Thừa Thiên Huế phối hợp với thành phố Đà Nẵng đưa vào khai thác tuyến tàu hỏa du lịch Huế - Đà Nẵng, hành trình “Kết nối di sản miền Trung”, đưa vào khai thác di tích Hải Vân Quan sau thời gian trùng tu. Địa phương cũng đang tập trung phát triển du lịch tàu biển, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản của địa phương. 

Ông Đinh Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương đang chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.  “Chúng tôi muốn xây dựng thành phố Huế xanh, sạch, đẹp, trước hết phải vận động cộng đồng, trong đó có cả du khách ý thức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức WWF giảm rác thải nhựa trong du lịch. Qua đó, vận động tất cả các khách sạn tổ chức phong trào giảm rác thải nhựa trong du lịch. Sau đó, nhân rộng mô hình, đưa thành phố Huế trở thành thành phố không có rác thải nhựa”, ông Đinh Mạnh Thắng nói.

Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương ở miền Trung gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. 

Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương đề xuất và triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút khách đến Huế và các địa phương trong thời gian tới: “Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế với vai trò trưởng nhóm xúc tiến, quảng bá tại các thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, các nước Asean; tại châu Âu có Anh, Đức và châu Đại Dương có Australia. Chúng tôi hy vọng công tác xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế cũng như trong nước là điểm nhấn thu hút khách đến với 5 địa phương”.

Năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã khai trương tuyến Du lịch Xanh, thân thiện môi trường tại khu vực Lăng vua Gia Long. Tuyến Du lịch mới này được kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng khắp, tạo nên phong trào giao thông xanh, thân thiện môi trường ở thành phố Huế.

Hiện nay, tại Lăng vua Gia Long đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa và phù hợp với không gian trong lành, được phủ nhiều cây xanh, hồ nước, rất thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến Di sản Xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào hoạt động tuyến Du lịch Xanh thể hiện sự văn minh, tiện ích của điểm đến di sản này; tạo điểm nhấn, sự tiện lợi trong hành trình tham quan, sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm phát triển theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh.

Từ khóa: Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế, liên kết, điểm đến, bền vững

Thể loại: Xã hội

Tác giả: vinh thông/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan