Thư viện từ những ước mơ
Cập nhật: 18/11/2023
Nông dân Kenya sử dụng ứng dụng AI để chẩn đoán bệnh cây trồng (5/1/2025)
Sẽ xử lý mạnh các vụ gây thương tích, phá tài sản sau va chạm giao thông
VOV.VN - Từ tâm nguyện và nhận thức về lợi ích của sách, chị Giang Châu và một số bạn trẻ ở Hà Nội đã biến hoa - biểu tượng của cái đẹp thành “kho tàng tri thức”.
Sách là kho tàng tri thức vô giá. Đọc sách là phương pháp tự học rất thiết thực và hiệu quả. Hiểu rõ điều này, thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái luôn khao khát có một thư viện đích thực. Tuy nhiên, điều đó thật xa vời. Bởi lẽ ở nơi vùng cao này, do điều kiện về kinh tế, xã hội còn khó khăn nên ngay cả sách giáo khoa, trang thiết bị dạy và học của thầy cũng như trò vẫn còn thiếu thốn.
Chỉ đến khi khát khao ấy được chia sẻ với chị Giang Châu - người sáng lập dự án, trong chuyến công tác đến vùng đất này thì ước mơ ấy mới thành hiện thực. Một thư viện với hàng trăm đầu sách, đủ các thể loại, được lựa chọn kỹ càng để phù hợp với các em học sinh và thầy cô. “Tất cả đầu sách khi đưa vào thư viện đều được lọc kỹ qua tư vấn của nhiều nhà xuất bản, sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh và đối tượng giáo viên. Ngoài ra, trong các tành viên của dự án xây dựng tủ sách, một số bạn cũng đam mê đọc sách. Các bạn này cùng tham gia chọn lọc sách, giống như thêm một cái màng lọc nữa khi lựa sách”, chị Giang Châu cho biết.
Trong phòng thư viện xinh xắn, gấp lại trang sách đang đọc, Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, chia sẻ: “Con thích đọc sách, đọc truyện. Nó giúp con nâng cao hiểu biết và thông minh hơn”.
Lò Thị Bảo Hân, học sinh lớp 5 cũng có sở thích đọc sách, bởi em học được nhiều điều bổ ích trong đó. Tuy nhiên, trước đây vì nhà trường không có thư viện, kinh tế gia đình eo hẹp nên em chưa có cơ hội được đọc những cuốn sách mình thích. Vì thế, khi có “Thư viện từ những bông hoa” do chị Giang Châu và nhóm các bạn trẻ ở Hà Nội trao tặng, niềm vui của em như vỡ òa. “Giờ con thích đến thư viện hơn trước vì nó đẹp và nhiều sách. Thư viện có nhiều sách hay mà con thích nên con rất vui”, Hân thổ lộ.
Sách còn là phương tiện hỗ trợ giáo viên thực hiện tốt hơn công việc “trồng người”. Đó là lý do khi mong ước về một thư viện “tươm tất” trở thành hiện thực, thầy cô cũng rất vui mừng. Đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải , tỉnh Yên Bái. “Cá nhân tôi và tập thể nhà trường rất phấn khởi, mong ngóng được nhận những cuốn sách ý nghĩa. Tôi mong tới đây thư viện sẽ phát huy hiệu quả. Các em ngoài việc học ở lớp thì đọc sách để có kiến thức, thầy cô thì nghiên cứu thêm các tài liệu nâng cao việc dạy cho từng môn học”, cô Hằng bày tỏ.
Ngoài Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và hai trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng có thư viện mới với hàng nghìn đầu sách. Tất cả đều mang một cái tên rất đẹp “Thư viện từ những bông hoa’. Chị Giang Châu cho biết, việc xây dựng thư viện cho học sinh và thầy cô ở vùng cao nảy sinh từ những lần chị lên đây công tác và du lịch. “Khi lên vùng cao, tôi thấy cuộc sống của người dân còn khó khăn. Các em nhỏ cũng chịu cảnh thiếu thốn, nhất là sách vở và đồ dùng học tập. Trở về với nỗi trăn trở cần làm gì đó để giúp thế hệ tương lai có cơ hội thay đổi cuộc sống nên tôi đã nghĩ đến việc mang tri thức đến cho các em nhỏ bằng cách tạo dựng thư viện”, chị Giang Châu tâm sự.
Bản thân chị Châu cũng là người đam mê đọc sách và thấy mình trưởng thành hơn từ những cuốn sách. Đó là lý do chị muốn mang sách lên cho thầy trò ở những bản làng xa xôi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Tôi nghĩ khi tư duy và tâm hồn các em thay đổi theo chiều hướng tích cực thì các em sẽ có thế giới quan rộng mở. Khi đó, các em sẽ có ước mơ và phấn đấu để đạt được điều mình mơ ước”, chị Châu nêu lý do quyết tâm xây dựng thư viện cho trẻ em vùng cao.
Để hiện thực hóa ý tưởng nhưng không phải đi xin tài trợ chị Châu cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân và tự tìm câu trả lời. Thế rồi ý nghĩ bán hoa tươi và dùng lợi nhuận nảy ra trong đầu, “Tôi rất yêu hoa tươi, hay mua hoa về tự cắm. Hoa là một biểu tượng của cái đẹp trong cuộc sống. Ở đâu có hoa thì thường ở đó có hi vọng. Tôi cũng thấy phần lớn những người yêu hoa đều có tâm hồn cao đẹp. Vậy thì còn gì đẹp hơn khi hành động mua hoa đồng nghĩa với việc tặng sách cho trẻ em ở nơi còn khó khăn?! Vì thế, tôi quyết định lập dự án bán hoa tươi và dùng lợi nhuận để mua sách, làm thư viện cho học sinh vùng cao”, chị Châu thổ lộ.
Chị Châu chia sẻ, có một số người hiểu chưa đúng về dự án khi cho rằng dự án chỉ trích một phần lợi nhuận để làm thư viện. “Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc bán hoa đều được dùng vào việc mua sách. Mọi khoản thu chi đều được công khai, minh bạch”, chị Châu khẳng định.
Chị Giang Châu cho biết, từ khi triển khai đến nay, dự án đã tạo dựng được 4 thư viện với 15 tủ sách. Trong đó, 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và 2 thư viện cho 2 trường ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tổng số đầu sách cho những thư viện này là 6.500 cuốn. Hiện tại, dự án đang lên kế hoạch xây dựng thư viện cho một số trường học tại tỉnh Hà Giang. “Song hành với hoạt động bán hoa gây quỹ, chọn lọc sách, chúng tôi cũng tìm hiểu về những ngôi trường. “Sách đến tay ai cũng đều tốt. Tuy nhiên, để những cuốn sách phát huy tối đa tác dụng và lợi ích thì nơi để sách phải thực sự là một “thư viện sống”. Tức là, ở ngôi trường đó, ban lãnh đạo và thầy cô phải đam mê đọc sách, có mong muốn phát triển văn hóa đọc. Đó là tiêu chí hàng đầu khi chúng tôi quyết định xây dựng thư viện ở một ngôi trường nào đó”, chị Châu chia sẻ.
Chị Châu cho biết, các thành viên của dự án ai nấy cũng đều có chung mong muốn như vậy. Thư viện được đặt đúng chỗ nên niềm vui như được nhân lên. Không chỉ thầy cô mà những người đi xây tủ sách cũng vui mừng không kém. Chị Phạm Thị Bích Ngọc - người phụ trách công việc bán hoa, kiêm quản lý nguồn quỹ là một trong số đó. “Em hiểu rất rõ rằng, mỗi bó hoa trao đi thì sẽ nhận được thêm những trang sách nên em dồn hết năng lượng vào đó. Hơn thế, người nhận chủ yếu là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Em thấy mình được góp sức nuôi dưỡng mầm non của đất nước nên thực sự rất hạnh phúc khi nghĩ về việc mình đang làm”, chị Ngọc tâm sự.
Tương tự, anh Doãn Minh Quân cũng mang trong mình niềm vui khó tả khi tham gia vào những phần việc: đi mua hoa, phụ kiện, bó hoa và ship hàng cho người mua… “Cứ nghĩ đến những gì Thư viện từ những bông hoa đã, đang và sẽ mang lại cho cộng đồng, nhất là các em nhỏ và thầy cô vùng cao, tôi lại thấy hạnh phúc. Bởi đây chính là điều tôi mong muốn được làm từ bấy lâu nay’, anh Quân chia sẻ.
Những tâm sự, chia sẻ của các thành viên dự án cũng là điều chị Giang Châu mong đợi. Theo chị, ngoài tri thức từ những trang sách, dự án còn lan tỏa thông điệp “hạnh phúc là được cho đi”.
Với ý nghĩa ấy, tác giả bài viết này cũng như các thành viên của dự án Thư viện từ những bông hoa, mong rằng sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, đồng hành để mang thêm nhiều hơn nữa những cuốn sách - tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước ở những vùng cao còn nhiều khó khăn.
Từ khóa: thư viện, thư viện từ những ước mơ,lợi ích của sách,hà nội,thầy trò vùng cao,trẻ em vùng cao
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nho trung/vov2
Nguồn tin: VOVVN