Thu về 14.600 tỷ đồng tiền thuế, ĐBQH lo các “đại bàng” rút vốn khỏi Việt Nam
Cập nhật: 10/11/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Khẳng định việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Bởi nếu Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như thế sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần thêm chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nước ngoài, các “đại bàng” FDI yên tâm đầu tư vào Việt Nam.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Vân Chi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, Nghị quyết này được ban hành nhằm xử lý về nhu cầu chính sách cho các nhà đầu tư hiện hành nước ngoài tại Việt Nam thuộc diện điều chỉnh của các quy định của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu. Đại biểu cho rằng, cần có những quy định, chính sách pháp lý để các nhà đầu tư này có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Đại biểu cho biết, nhìn từ góc độ như vậy, nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong dự thảo Nghị quyết này. Trước hết, chưa rõ cơ chế thuế đối với các nhà đầu tư mới vào Việt Nam sau khi Nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực.
“Nếu theo quy định trong dự thảo hiện tại cũng như pháp luật về thuế hiện hành, khi vào thị trường, các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, tuy nhiên, vẫn phải nộp lại 15%, đây là điều không hợp lý mà dự thảo Nghị quyết này cần phải giải quyết”, đại biểu Nguyễn Vân Chi nói.
Bên cạnh đó, về khả năng khiếu kiện, với các nhà đầu tư hiện hành đang được hưởng ưu đãi miễn giảm, có những ưu đãi miễn giảm rất lớn, nếu thu thêm thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo mức đánh thuế đối với họ là 15% thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.
“Lợi ích của nhà đầu tư hiện nay đang được bảo đảm không chỉ bởi điều khoản về đảm bảo đầu tư, tức điều khoản quy định bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, mà quan trọng hơn là được bảo đảm bằng các hiệp định, thỏa thuận, cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư song phương và đa phương. Đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính toán hết các khả năng có thể xảy ra, đảm bảo lợi ích của mỗi bên trong giao dịch”, đại biểu đoàn Nghệ An nêu ý kiến.
Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Bởi nếu Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như thế sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng.
Bản chất của thu thuế tối thiểu toàn cầu là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung để đủ mức thuế 15%. Tức là ưu đãi về thuế cho số doanh nghiệp này sẽ bị giảm đi so với trước.
Do đó, đại biểu Tuấn Anh cho rằng, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần thêm chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Trong khi hiện nay Chính phủ chưa trình cơ chế này.
"Nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác", đại biểu Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Phú Thọ cũng lưu ý hiện OECD có chính sách chống chuyển lợi nhuận sang nước "thiên đường thuế" (thuế suất thấp). Vì vậy, việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, sẽ vi phạm quy định của tổ chức này.
"Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng đầu tư, thu hút đầu tư của Việt Nam, vừa đảm bảo giữ chân nhà đầu tư cũ và khuyến khích nhà đầu tư mới rót vốn", đại biểu Tuấn Anh lưu ý.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cho rằng, Việt Nam thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Việc này để nhà đầu tư thấy họ không còn được hưởng ưu đãi thuế, sẽ có các ưu đãi khác giúp giảm chi phí.
Tuy nhiên, trong dự thảo, trường hợp nhà đầu tư yêu cầu ưu đãi, thì giao Chính phủ nghiên cứu, quy định chi tiết, đại biểu cho rằng, quy định như vậy không đảm bảo tính chắc chắn. Bởi nhà đầu tư muốn đầu tư ở Việt Nam nhưng họ không nhìn thấy gì ưu đãi hơn nữa.
"Dự thảo Nghị quyết cần nêu thế nào để đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể. Đây là động thái cho nhà đầu tư biết rằng họ sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng, dù Việt Nam có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%) thì các quốc gia khác cũng sẽ thu phần chênh lệch khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Do đó, nữ đại biểu cho rằng, cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Loại thuế này cũng không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư và các quy định khác mà Việt Nam đã ký kết.
Tuy vậy, do thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung là khoản thuế mới và chưa được quy định trong luật, nên đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết này để phù hợp với chủ trương chung, tăng cường hội nhập quốc tế, hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Từ khóa: thuế tối thiểu toàn cầu,giữ chân đại bàng, thu hút FDI, doanh nghiệp FDI, chính sách thuế,doanh nghiệp nước ngoài
Thể loại: Nội chính
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN