Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số cho năm 2025

Cập nhật: 16 giờ trước

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.

Tiếp theo Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; trong đó tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.

Các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 3/1/2025.

Chính phủ giao Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dung.

Tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, làm cho sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trình Chính phủ trước ngày 5/1/2025.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số.

Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. (trình Chính phủ trong quý I/2025).

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình ban hành danh mục ngành kinh tế xanh tích hợp vào hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, với các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng trình Chính phủ trong Quý I/2025.

Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực cho tín dụng xanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, dự án xanh. Bộ Tài nguyên Môi trường hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia, làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… (trình Chính phủ trong Quý I/2025).

Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công trực tiếp chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế,kịch bản, hai con số, bộ ngành, địa phương

Thể loại: Nội chính

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập