Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người lãnh đạo dấn thân, gần dân, sát thực tiễn
Cập nhật: 28/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Cũng bởi tính cách, con người “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng chính quyền TP.HCM đưa người dân vượt qua khó khăn, vực dậy và phát triển nền kinh tế bị kìm hãm bởi cơ chế quan liêu bao cấp.
Trong lịch sử TP.HCM, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân), nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM được biết đến là người có tư duy đổi mới, sáng tạo. Cũng bởi tính cách, con người “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông đã cùng chính quyền TP.HCM đưa người dân vượt qua khó khăn. Vực dậy và phát triển nền kinh tế bị kìm hãm bởi cơ chế quan liêu bao cấp, thực tiễn sinh động của TP.HCM đã góp phần cùng cả nước mở đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Tôn trọng cả lý luận và thực tiễn
TP.HCM, khoảng một năm sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lần đầu tiên trong lịch sử người dân phải ăn độn hạt bo bo, khoai, sắn và đứng trước nguy cơ đói. Thiên tai, lũ lụt mất mùa, cùng cơ chế quản lý quan liêu bao cấp khiến kinh tế của vùng đất từng là “hòn ngọc Viễn Đông” rơi vào trì trệ chưa từng có.
Trước chiến tranh người dân không đói, sau giải phóng tại sao người dân lại đói? Câu hỏi này cứ day dứt thế hệ lãnh đạo đầu tiên của TP.HCM. Với những con người được trui rèn trong khói lửa chiến trường, được người dân đùm bọc, cưu mang chở che như: Ông Nguyễn Văn Linh, ông Mai Chí Thọ và đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt, câu trả lời không phải chỉ là đi tìm nguyên nhân mà phải hành động. Bởi vậy, để cứu đói cho dân, ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Giám đốc Ngân hàng, Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa. Việc vượt vòng ranh giới, đi mua bán lúa theo giá chợ của cán bộ đã bị Ủy ban Vật giá Nhà nước “kiện”, nhưng cũng chính nhờ đó mà 3,5 triệu dân thành phố thoát khỏi nguy cơ chết đói.
Theo PGS.TS Phan Xuân Biên – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, điểm đặc biệt của ông Võ Văn Kiệt là người lớn lên trong phong trào, trui rèn trong thực tiễn nên khi khó khăn, ông tìm về cơ sở. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giải phóng, bác Sáu Dân đi xuống nhà máy, xí nghiệp để nghe tiếng nói của công nhân lao động, của lãnh đạo nhà máy, xí nghiệp. Ông sẵn sàng lắng nghe cả những lời “trái tai” của các trí thức, bởi đó là những tấm lòng chân thành, tâm huyết và mong muốn cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Tôn trọng khoa học, lý luận nhưng khoa học, lý luận phải được tổng kết từ thực tiễn và mang lợi ích của nhân dân, nên ngoài khảo sát, trực tiếp chỉ đạo thực tiễn hoạt động của các xí nghiệp, nhà máy, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Võ Văn Kiệt lúc đó còn thành lập Văn phòng nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy. Đây là nơi tập hợp trí thức, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Trên cơ sở những nghiên cứu của Văn phòng nghiên cứu kinh tế, Thành ủy đã có những chủ trương, quyết sách mang lại hiệu quả thiết thực. Chính những chủ trương, chính sách được tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TP.HCM, rồi đưa ra thi hành thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, những căn cứ thực tiễn quan trọng, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới cho cả nước sau này.
PGS.TS Phan Xuân Biên nhận xét, ông Võ Văn Kiệt là một người dấn thân. Ngoài ở TP.HCM, sau này ông thành phó thủ tướng rồi thủ tướng thì tất cả các công trình đều bắt đầu từ tư duy làm gì đó cho dân, cho nước sau đó đi khảo sát thực tiễn. Lấy kinh nghiệm của người dân, cộng thêm suy nghĩ hiểu biết của trí thức rồi dùng quyết đoán của mình để thực hiện.
Lan toả trách nhiệm, nhiệt huyết vì nhân dân
“Đêm trước đổi mới”, ở nước ta xuất hiện những con người như ông Võ Văn Kiệt là để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra. Với tinh thần "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm", ông đã truyền quyết tâm, nhiệt huyết cho cả hệ thống chính trị của TP.HCM để tập trung cứu đói cho người dân, tập trung thay đổi tư duy để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng- nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, những đổi mới của thành phố trước năm 1986, có thời điểm được gọi là “xé rào”, “vượt rào” nhưng đấy là những hành động trong bối cảnh Trung ương chưa có giải pháp thích hợp và những người như bác Sáu Dân đã mang lại những giải pháp phù hợp. Những giải pháp đó không nằm ngoài mục tiêu, chủ trương xuyên suốt của Đảng là: Giữ dân, giữ đất, không được để dân đói.
Dám làm những việc thực tiễn chưa có, dám làm những việc có tính chất mở đường, không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của lãnh đạo thành phố mà còn xuất phát từ cái tâm, từ sự trăn trở vì dân của bác Sáu Dân. Trách nhiệm, nhiệt huyết của ông đã tạo nên phong trào đổi mới ở thành phố trước năm 1986.
PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết thêm, có thể một người nghĩ nhưng khi làm thì cả một đội ngũ, cả một thành uỷ, cả một uỷ ban nhân dân và cả cơ quan chức năng đều vào guồng. Rõ ràng là với việc dám nghĩ là một cái đầu nhưng khi dám làm thì phải là nhiều cái đầu, nhiều đôi chân, nhiều bàn tay, nhiều khối óc cùng làm thì mới ra. Vai trò, uy tín của người đứng đầu đủ sức thuyết phục, tổ chức bộ máy đó làm theo cái “dám nghĩ, dám làm” của mình.
Đổi mới luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người đứng đầu, đi đầu. Nhưng vượt lên tất cả, đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, ông Võ Văn Kiệt đã làm được những điều mà lịch sử đã ghi nhận.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên- Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng, với những nhà lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, có lẽ vì đã kinh qua thực tiễn của cơ sở, lăn lộn trong phong trào đấu tranh của nhân dân, đối mặt giữa sự sống và cái chết nên họ luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo. Ở cố Thủ tướng Võ Kiệt tư duy đổi mới bắt nguồn từ tố chất của con người, của một lãnh đạo luôn trăn trở suy tư về số phận của đất nước mình. Quan điểm đổi mới đó cũng phải được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp lãnh đạo.
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nói: "Nhiều lãnh đạo cấp cao thời bấy giờ họ cũng bắt đầu trăn trở, suy tư về con đường đổi mới đất nước. Đặc biệt là những nhà lãnh đạo như ông Trường Chinh hay ông Nguyễn Văn Linh chẳng hạn. Ông Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo tài năng, với tư duy đổi mới, vượt trước. Nhưng mà ít nhất ông cũng hội đủ và gặp được điều kiện thuận lợi: Thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Chính đó là những thuận lợi để tạo nên công cuộc đổi mới đất nước.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, đến nay, đất nước ta đã hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn. Trước yêu cầu phát triển của lịch sử, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, Đảng ta tiếp tục đặt ra mục tiêu đổi mới. Và để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, vẫn rất cần những lãnh đạo có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì nhân dân như ông Võ Văn Kiệt./.
Từ khóa: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN