Thủ tướng: Tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người
Cập nhật: 11/01/2020
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
VOV.VN -Thủ tướng: Quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người, công tác an toàn thực phẩm phải được tăng cường
Sáng 11/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu trực tuyến cả nước.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua, nhất là 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, văn bản được ban hành ngay sau hội nghị toàn quốc đầu tiên về an toàn thực phẩm của Chính phủ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới (vào tháng 4/2016).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm so với trước khi có Chỉ thị 13. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).
Dù có giảm so với năm 2018, nhưng năm 2019, toàn quốc vẫn ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 8 trường hợp tử vong.
Quyền quan trọng của con người là sức khỏe
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quyền quan trọng của con người là sức khỏe nên an toàn thực phẩm đã trở thành một vấn đề cấp thiết không chỉ hiện nay mà cả tương lai. Do đó, các cấp ủy, chính quyền đều phải có trách nhiệm đến quyền cơ bản quan trọng của người dân. Nhất là thời điểm gần Tết Nguyên Đán, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là sự quan tâm của mỗi gia đình mà còn là trọng trách, ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.
Thủ tướng cho rằng, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người, công tác an toàn thực phẩm phải được tăng cường. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương, các cấp, các cơ quan chức năng.
"Đã là quyền con người thì chúng ta phải bảo vệ. Ai xâm phạm quyền cơ bản này thì phải bị xử lý. Đây là trách nhiệm chính trị của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Anh là chủ tịch xã, phường mà lại không biết địa bàn có cơ sở sản xuất đồ giả, thực phẩm bẩn hay sao? Cảnh sát khu vực, công an phường, UBND phường, giám sát của HĐND có vai trò rất quan trọng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm được triển khai tốt. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc thí điểm Thanh tra an toàn thực phẩm cấp huyện, xã. Đặc biệt các cấp chính quyền địa phương đều giành thời gian đôn đốc kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Các cơ quan báo chí đã có chuyên mục về an toàn phực phẩm để tăng cường nhận thức cho xã hội về vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao việc tăng cường thanh tra, kiểm tra giải quyết, rất nghiêm túc, mà vụ việc mới nhất, Bộ Công an xử lý vụ thuốc bắc giả làm ảnh hưởng trực tiếp dến cuộc sống người dân. Người dân hay dùng thuốc Bắc, thuốc Nam mà thuốc giả, mốc, ướp lưu huỳnh như vậy để hại sức khỏe nhân dân thì phải xử lý nghiêm. Tôi hoan nghênh Bộ Công an xử lý vụ này. Nhân đây tôi cũng lưu ý tình trạng đồ thực phẩm giả, kém chất lượng nhập qua biên giới, cả lòng lợn, cả gà dịch bệnh, cả thuốc Bắc kém chất lượng nhập qua biên giới”.
Theo Thủ tướng, một điểm rất quan trọng và có sự thay đổi căn bản là đa số các tỉnh, thành phố đều có quy hoạch các khu giết mổ tập trung, dần xóa bỏ cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư giết mổ tập trung theo tiêu chuẩn thế giới. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, lượng thuốc trừ sâu giảm rất nhanh, trong 2-3 năm qua giảm từ 130 nghìn tấn xuống còn 80 nghìn tấn. Sản phẩm hữu cơ ngày càng nhiều đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng khắt khe như châu Âu, Mỹ là điều đáng mừng, cho thấy chất lượng cao của hàng nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay không phát hiện mẫu thịt tồn dư kháng sinh; hóa chất trong thịt, thủy sản hay tình trạng lợn hai chuồng, rau hai luống giảm mạnh.
Thủ tướng cho rằng, những kết quả này giúp người dân yên tâm hơn, không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong nước mà cả hàng hóa xuất khẩu. Thực phẩm không an toàn không còn là vấn đề bức xúc như các năm trước đây.
Quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện vẫn còn nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm còn cao khi có trên 8 triệu hộ nông dân đang sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, thói quen giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo, sử dụng kháng sinh trong sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Đặc biệt theo Thủ tướng, ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở còn kém, dẫn đến tình trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mất an toàn thực phẩm một cách vô trách nhiệm. Cho nên, vai trò của cơ sở rất quan trọng. Vai trò trách nhiệm của cửa hàng trưởng, bếp trưởng, chủ căng tin rất quan trọng. Khi bưng đĩa thức ăn ra cho người khách dùng thì phải nghĩ tới an toàn thực phẩm cho khách thế nào. Nếu có gì xảy ra thì chủ căng tin chịu trách nhiệm ra sao.
"Chúng ta nói về bộ máy hành chính thì cơ sở xã phương rất quan trọng. Tôi đã xuống một xã ở Đông Anh, tôi hỏi cán bộ xã thì anh ấy hiểu rất rõ hộ dân sản xuất thế nào, quy trình ra sao, thời gian nào sử dụng các loại thuốc nào, mẫu thuốc đó được lưu giữ như thế nào. Người lãnh đạo, trưởng thôn, chủ tịch xã biết từng hộ sản xuất, quy trình sản xuất... Phải sâu sắc như thế. Nếu truy đến cùng, những nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì không chỉ người sản xuất chịu trách nhiệm mà cả chính quyền tại sơ sở cũng phải chịu trách nhiệm”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, Trung ương ban hành văn bản quy phạm pháp luật, địa phương trực tiếp thực thi, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác này. Yêu cầu năm 2020 phải có chuyển biến thực chất và rõ nét hơn nữa về an toàn thực phẩm, Thủ tướng chỉ đạo, các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng thành tựu 4.0 vào quản lý an toàn thực phẩm. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế an toàn thực phẩm; đưa ra các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sát với tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đề xuất một số địa phương, trong đó có các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạo làm thí điểm việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước cũng như thực phẩm xuất khẩu. Theo Thủ tướng, bài toán hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm... Cùng với đó là hoàn thiện Đề án phát triển năng suất hữu cơ để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục truyền thông đầy đủ về quy trình sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; rà soát loại bỏ khỏi danh mục những hoạt chất, thuốc bảo vệ thực phẩm không đảm bảo an toàn, độc hại với sức khỏe con người và môi trường. Cùng với đó là tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh và người bán, mua không gặp nhau, nên việc quản lý an toàn thực phẩm cũng phải có biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới để công tác quản lý an toàn thực phẩm quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa./.
Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, an toàn thực phẩm, hội nghị trực tuyến
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN