Thủ tướng tiếp các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Cập nhật: 04/10/2024
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Báo chí đối ngoại cần có góc nhìn, cách tiếp cận mới
Bí thư chi bộ ấp vùng biên: Gương sáng nơi tuyến đầu Tổ quốc
VOV.VN - Ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại biểu dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Theo các báo cáo, sau 13 năm hoạt động, Hội Nữ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập hợp, thu hút được gần 6.000 hội viên ở 12 tỉnh/thành phố, 31 viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, phát huy thế mạnh, tích cực thực hiện công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, đóng góp ý kiến về các chính sách kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ trí thức nói riêng; phát huy thế mạnh, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo; đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc tế…
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức thường niên luân phiên giữa các nước, khẳng định sự quan tâm của các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm tạo ra một diễn đàn chung cho các nhà khoa học nữ tiêu biểu.
Đây là sự kiện không chỉ để kết nối và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; mà còn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của các nhà khoa học, kỹ sư nữ trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của nhân loại, của khu vực và mỗi quốc gia, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Đặc biệt, Hội nghị Mạng lưới khu vực năm 2024 do Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội là một minh chứng sinh động cho sự chủ động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam. Sự kiện càng có ý nghĩa khi Việt Nam vừa tổ chức Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024.
Thủ tướng cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn coi trọng trí thức, coi "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp".
Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, xác định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp nguyên khí quốc gia".
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đồng thời, luôn đề cao vai trò của phụ nữ, nỗ lực không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ phát triển tài năng, vượt qua chính mình, đóng góp cho đất nước, khu vực và thế giới.
Theo Thủ tướng, từ vị trí là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau chiến tranh thế giới hai, qua gần 40 năm tiến hành đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhờ có sự chung tay, đồng lòng của toàn dân tộc và bạn bè quốc tế, trong đó có những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung, các nữ trí thức nói riêng, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với trước khi đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.
Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ; được cộng đồng quốc tế đánh giá là một biểu tượng của tình hữu nghị và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, đạt vị trí 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022). Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Google, Apple, Meta, Nvidia…
Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới luôn được chú trọng thực hiện. Năm 2023, Việt Nam đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra cho năm 2025. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Thủ tướng đánh giá, ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội; thế giới đang đối diện với nhiều thách thức lớn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng giới…
Đây là những vấn đề vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính toàn dân, không chỉ đòi hỏi những giải pháp kỹ thuật mà còn cần sự hợp tác chặt chẽ, nỗ lực lớn từ các quốc gia, cộng đồng và đặc biệt là từ giới khoa học. Chính các nhà khoa học, kỹ sư nữ với trí tuệ và sự nhạy bén đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tìm ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để vượt qua các thách thức này.
Qua báo cáo, Thủ tướng vui mừng được biết thời gian qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nữ trí thức.
Hội đã tạo các diễn đàn khoa học cho nữ trí thức được thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết và lòng đam mê nghiên cứu khoa học; đóng góp tích cực trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể như 264 công trình, nghiên cứu, báo cáo khoa học được đăng tải; trên 130 sản phẩm khoa học công nghệ của 26 nhà khoa học nữ được giới thiệu trong triển lãm "Thành tựu Khoa học và Công nghệ của Nữ trí thức Việt Nam"; hơn 200 sản phẩm trên Sàn giao dịch trực tiếp, trực tuyến về công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ…
Hội là nơi hội tụ các cá nhân được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận các giải thưởng khoa học như: Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, giải thưởng Kovalevskaia, Loreal - UNESCO và các giải quốc tế khác… dành cho các nhà khoa học nữ.
Thủ tướng nhắc tới Anh hùng lao động, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm, người đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất cao và chất lượng; Anh hùng lao động, GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên, người đã làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà như sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt, là loại vaccine thế hệ 1 thành công; sản phẩm thuốc Trinh nữ hoàng cung của TS. Dược sỹ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước châu Âu…
Hội đã hỗ trợ hiệu quả các nữ trí thức khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội bền vững.
Thủ tướng khẳng định Hội Nữ trí thức Việt Nam đã từng bước thể hiện vai trò hạt nhân tập hợp đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như cho hoạt động của Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, nâng cao năng suất lao động…
Với tinh thần "đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình - sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại", Việt Nam nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đề cao và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển đất nước.
Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, tâm huyết của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thông qua việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, hạ tầng cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; ưu tiên nguồn tài chính, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ; khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống...
Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam; đồng thời kết nối, tạo điều kiện để nữ trí thức Việt Nam tiếp cận, học hỏi và có cơ hội làm việc, trao đổi, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ cao các nước trên thế giới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỗi gia đình, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Phụ nữ vừa là những người mẹ, người vợ, vừa là người lao động, doanh nhân, những kỹ sư, nhà khoa học, đóng vai trò trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển nền kinh tế chăm sóc; thúc đẩy sự mạnh mẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới.
"Càng phấn khởi, vui mừng về những kết quả quan trọng đã đạt được, chúng ta càng mong muốn có được ngày càng nhiều thành quả thiết thực, ý nghĩa hơn nữa của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế nói chung, của Hội Nữ trí thức Việt Nam nói riêng, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển đất nước và xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như cho một thế giới hòa bình, công bằng, nhân văn, nhân ái, văn minh và phát triển bền vững" - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Đối với đề nghị của Hội Nữ trí thức về thành lập Quỹ hỗ trợ các nhà khoa học trẻ nữ, Thủ tướng giao Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu việc thành lập theo các quy định của pháp luật.
Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng, Phạm Minh Chính,châu Á - Thái Bình Dương,Thủ tướng tiếp các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN