Thủ tướng: Tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển
Cập nhật: 20/04/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN -Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết sốc tới phát triển Thủ đô, đóng góp xây dựng Tổ quốc.
Sáng 20/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hà Nội, một trong hai đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Sự tăng trưởng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng cả nước trong năm nay. Đề nghị Hà Nội nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch của năm nay, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết sốc tới phát triển Thủ đô, đóng góp xây dựng Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. |
Cần khơi thông thị trường bất động sản Hà Nội
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, do tác động của Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế quý 1 chỉ tăng trưởng 3,72%, bằng hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng 3 kịch bản dựa trên ba tình huống của dịch để ban hành kế hoạch hành động, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất là tăng trưởng 7,5% trong năm nay.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố Hà Nội vừa chống dịch nhưng vừa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ngay sau hết dịch sẽ giúp kinh tế bật lên như “chiếc lò xo đang bị nén”, để kinh tế Thành phố quay trở lại và đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã gợi ý một số định hướng phát triển của Hà Nội như cần tiếp tục coi nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ hơn. Hà Nội cũng cần chuẩn bị điều kiện tốt để đón các dòng đầu tư mới được dự báo sẽ vào Việt Nam thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với đô thị lớn gần 10 triệu dân như hiện nay, Hà Nội cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cấu trúc lại thị trường gắn với chương trình phát triển nhà ở, dịch vụ, phát triển nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng cũng đồng tình với đề nghị của Hà Nội về việc giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho lĩnh vực ô tô, xe máy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Hà Nội, cùng với phát triển các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao thì cần quan tâm đến quỹ đất phục vụ phát triển hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử.
Đánh giá cao Hà Nội coi nông nghiệp là nền tảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẵn sàng có chương trình làm việc riêng với Hà Nội để giúp Thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp 4% trong năm nay.
Đối với kiến nghị của Thành phố về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, để thực hiện thông báo kết luận đến tháng 9 vận hành thương mại thì điều kiện thứ nhất, hiện nay đã là giai đoạn cuối, tư vấn kiểm tra phải có con người cụ thể để đánh giá, hoàn thành báo cáo số 13, báo cáo cuối cùng. Nếu không có chuyên gia thì không thể thực hiện được. Thứ hai là tổng thầu cần có đội ngũ chuyên gia để họ trực tiếp thực hiện một số việc liên quan đến báo cáo số 13, nếu đánh giá bảo đảm an toàn thì mới vận hành được. Do đó, Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao, cùng Bộ Giao thông vận tải, thống nhất với kiến nghị của tổng thầu, tư vấn thẩm tra, cho phép chuyên gia vào Việt Nam trong tháng 4 này.
Thời cơ mới cho phát triển Hà Nội
Kết luận buổi làm việc, chúc mừng Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhân dịp 90 năm thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thủ đô đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước.
Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã làm tốt công tác phòng, chống Covid-19 đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế gần 4% trong quý 1/2020 là một cố gắng. Bên cạnh những thành công của Hà Nội, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít khó khăn, tồn tại, như Chỉ số giá tiêu dùng còn cao so với cùng kỳ, dù giá xăng dầu đã giảm thấp. Kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Tiến độ nhiều công trình chậm và hiện còn khoảng 50.000 tỷ vốn đầu tư công chưa giải ngân được. Tình trạng vi phạm trật tự xã hội, xây dựng, lấn chiếm đất công, khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép, ô nhiễm môi trường...
Cho biết nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn có cơ hội để tăng trưởng đứng đầu Đông Nam Á trong năm nay, Thủ tướng cho rằng, trong các cơ hội đó có nhiều thời cơ đối với Hà Nội.
"Hà Nội cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết sốc tới phát triển Thủ đô, đóng góp xây dựng Tổ quốc. Chính phủ cùng các bộ, ngành phải tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển. Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội là quan trọng nhất cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, cùng với tăng cường tiêu dùng các hộ gia đình để phát triển. Cho nên cả nước ta, đặc biệt Hà Nội phải khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển với các điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang nhiều thay đổi, thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động. Đồng chí Bí thư và Thường vụ đã cam kết Hà Nội cam kết tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước trong năm 2020 đầy khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung tháo gỡ nhiều tồn tại, như cần tập trung củng cố hệ thống chính trị, củng cố lòng dân tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại đây.
Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng quy hoạch chi tiết khu vực này, đảm bảo an toàn cho công trình cũng như quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư. Cần phải xử lý ngay, không thể để tồn tại kéo dài nhiều năm mà chưa xử lý xong.
Toàn cảnh cuộc làm việc. |
Đối với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung xử lý dứt điểm, có cơ chế tạm ứng thanh toán và hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. HĐND Thành phố đã có Nghị quyết nhận nợ nên Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác để xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.
Cần tin tưởng và phân cấp cho Thủ đô
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ và thống nhất với tầm nhìn phát triển Hà Nội trong thời gian tới phải là Thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh an toàn; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tầm nhìn đó rất toàn diện của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Hà Nội. Trước mắt, Hà Nội không được chủ quan, lơ là, tự mãn trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tổ chức tốt kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất kinh doanh và các đối tượng.
Cùng với đó là thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra của năm nay để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cho rằng sắp tới Hà Nội phát triển mạnh mẽ như “chiếc lò xo bật ra”, không được phát triển theo hình chữ U hoặc W mà phải là chữ V, Thủ tướng gợi ý biện phápphải tăng về số lượng trong giai đoạn này.
Muốn tăng trưởng GDP trước hết phải đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, giải ngân đầu tư công, chi tiêu thường xuyên, cấp bách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, hợp tác xã bỏ tiền ra làm ăn, tìm kiếm thị trường. Đây cũng sẽ là phương châm của cả nước sắp tới. Một kênh tiêu dùng nội địa của thành phố có gần 10 triệu dân, một thị trường của một nước Việt Nam có 100 triệu dân, đó chính là một kênh quan trọng phải tranh thủ.
"Nếu tính giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội ít nhất phải 50.000 tỷ chứ không ít, chứ chưa nói tới đầu tư tư nhân. Nói đi nói lại để các đồng chí tổ chức thực hiện" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tán thành với các đại biểu dự họp về việc Hà Nội cần chuẩn bị tốt các điều kiện đón bắt thời cơ, dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài và trong nước, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội cần có sự sáng tạo trong huy động nguồn lực và đón bắt thời cơ. Phương châm hành động là phải nhanh, chính xác, kịp thời; cần phát động tinh thần yêu nước, sức mạnh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với Hà Nội như tiếp tục thúc đẩy nguồn cung từ ngành nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực thiết yếu, đảm bảo tái đàn gần 2 triệu con lợn để bình ổn giá; làm tốt công tác quản lý đô thị, mở rộng ranh giới trung tâm ra các quận, huyện, giảm mật độ ở trung tâm. Cùng với đó Hà Nội phải đảm bảo nước sạch cho người dân và giảm giá nước trong bối cảnh hiện nay; đặc biệt là xử lý vấn đề ô nhiễm không khí. Cho nên, vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân là rất quan trọng.
Cùng với việc cho ý kiến về các kiến nghị của Thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển. Chính phủ và Thủ tướng sẵn sàng tháo gỡ các vướng mắc cho Hà Nội. Các bộ, ngành cần tin tưởng và phân cấp cho chính quyền Thủ đô. Trong đó những vấn đề có thể ủng hộ Hà Nội ngay như áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng nhanh chóng để dành mặt bằng cho các dự án cấp bách; dành đất cho các dự án nhà ở xã hội...
Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy và đề nghị Bộ Tài chính bổ sung chính sách này.
Cơ bản đồng ý với nhiều đề xuất, kiến nghị chủ yếu là về cơ chế mà Hà Nội nêu ra, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng hành, ủng hộ Thủ đô Hà Nội, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp với Hà Nội trong triển khai các nhiệm vụ; thực hiện tốt nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp. Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Thủ đô Anh hùng, Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn hiện nay, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, đóng góp vào sự phát của triển đất nước. /.
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội, dịch Covid-19 ở Hà Nội, phát triển kinh tế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN