Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm "vực dậy" nền kinh tế
Cập nhật: 30/03/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - 4 nội dung sẽ được thảo luận gồm: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, an sinh xã hội, an ninh ninh trật tự
Sáng mai, 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19.
4 nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị quan trọng này gồm: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư công; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định an ninh, trật tự.
Một cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với các địa phương |
Với tinh thần vực dậy hoạt động sản xuất trong nước, không để “đổ gục” trước Covid-19 và nhiều khó khăn khác, việc tổ chức hội nghị toàn quốc này thể hiện sự chủ động từ sớm của Chính phủ.
Do độ mở nền kinh tế cao, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới thì cũng tác động tiêu cực tới nước ta. Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng 0%, một số nước còn tăng trưởng âm. Liên hợp quốc thì nhận định một cuộc suy thoái mới toàn cầu, lớn hơn năm 2008, sẽ diễn ra.
Trong nước, tất cả các doanh nghiệp, gồm cả các tập đoàn lớn đều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh về doanh thu do đối tác nước ngoài hủy hợp đồng. Ngành dệt may giảm 30% đơn hàng tháng 4, 50% số đơn hàng vào tháng 5. 80% cơ sở giáo dục giảm doanh số một nửa. Nhiều cơ sở giáo dục phá sản. Ngành du lịch giảm 98% lượng khách du lịch.
Trong khi dự toán ngân sách giá dầu lên tới 60USD/thùng thì hiện chỉ còn 1/3. Khó khăn thêm khó khăn khi một số vùng nước ta chịu thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi.
Do đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vực dậy sản xuất là 1 trong 4 nội dung quan trọng tại hội nghị toàn quốc lần này, nhất là quý 1 năm nay tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua.
Gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mới đây để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian nộp thuế đến 12 tháng thay vì dự kiến 5 tháng; mở rộng các loại sắc thuế được gia hạn, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...
"Doanh nghiệp muốn giảm từ 1-1,5% lãi suất các khoản đang thực hiện hợp đồng tín dụng từ trước ngày 23/1/2020; giảm 1,5-2% đối với các khoản vay mới sau 23/1. Doanh nghiệp đóng cửa sẽ dẫn đến vay mới rất ít, vay cũ thì lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng phải giảm tương đương như điều hành của Ngân hàng Nhà nước", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm.
Còn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất: "Nên có chính sách cho doanh nghiệp vay tiền không lãi suất để trả lương cho người lao động trong giai đoạn tạm thời, cho lao động tạm ngưng việc. Thời gian cho vay chỉ là 3 tháng. Mức vay chỉ tập trung vào mức lương tối thiểu là 3,71 triệu/tháng, chứ không cho vay để giải quyết BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, vì hai loại bảo hiểm này đã thực hiện theo chính sách bảo hiểm rồi".
Để thúc đẩy tăng trưởng, thì cần phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Là một trong hai bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đang tập trung các dự án lớn như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ..., đồng thời kiến nghị chuyển một số dự án từ đầu tư theo hình thức công-tư sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.
"Về các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công. Chúng tôi kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trong tháng 4 này, khẩn trương để các Ủy ban của Quốc hội xem xét, để trong tháng 5 có thể trình Quốc hội. Thứ hai là đề nghị Quốc hội, ngay tuần đầu khai mạc kỳ họp vào tháng 5 thì lấy ý kiến để có Nghị quyết sớm và cuối tháng 5 có thể chuyển qua đầu tư công", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chuẩn bị cho hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, phải quyết liệt, cụ thể, chế tài mạnh để giải ngân cho hết hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư công. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư; nếu không hoàn thành thì điều chuyển vốn cho các dự án khác. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến những dự án quan trọng như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành...
Tại hội nghị toàn quốc ngày 31/3, một số bộ trưởng sẽ trình bày các chương trình, giải pháp của bộ, ngành mình, khắc phục tốt nhất các khó khăn do dịch gây ra đồng thời lắng nghe các ý kiến tư vấn, góp ý từ hội nghị. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề để các bộ, ngành, địa phương triển khai./.
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị toàn quốc, ứng phó Covid-19, sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN