Thủ tướng: Rà soát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy hải sản trái phép

Cập nhật: 11/10/2023

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cả Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương xử lý nghiêm minh...

Chiều 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IUU; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. 

Thời gian vừa qua để chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã giao cụ thể nội dung, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cho từng Bộ, Ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Sau đợt 03 dợt thanh tra của EC, kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến; tuy nhiên vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành trung ương và địa phương, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đồng thời nêu rõ 5 quan điểm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt.

“Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, kiên định, kiên trì của Đảng, Nhà nước là các cấp, các ngành, người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thuỷ sản trên đại dương; khai thác, đánh bắt trật tự, hiệu quả, bền vững; Kết hợp cặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo chính là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; Không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa xử lý, giáo dục và ân cao đời sống của ngư dân; chăm lo giáo dục và tạo sinh kế cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến, giảm đánh bắt xa bờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, tinh thần là không làm để đối phó với EC mà làm vì lợi ích chính đáng của đất nước, nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ: “Mục tiêu của chúng ta là phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương về phát triển kinh tế biển; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, phát huy ý thức trách nhiệm của ngư dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo; giải quyết dứt điểm khuyến cáo của các nước, tổ chức quốc tế trong đó có EC; không để phát sinh phức tạp mới trong quá trình quản lý, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trên đại dương; chấm dứt khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo".

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó xử lý các vi phạm nghiêm túc, đúng pháp luật, quy định; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục; Thủ tướng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trung ương và cấp ủy các cấp tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan, bằng nhiều hình thức khác nhau. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động về quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương có liên quan: định hướng thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền trong và ngoài nước về những nỗ lực, kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam; chống các luận điệu xuyên tạc, nói xấu nỗ lực của Việt Nam trong công tác này. Khai thác triệt để các mặt tích cực, các trường hợp, kết quả điển hình, tiêu biểu; kiểm soát chặt chẽ các thông tin được đăng tải, đảm bảo phục vụ lợi ích của người dân, của quốc gia, tránh gây bất lợi, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “Thẻ vàng". Các địa phương cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền.

Bộ Ngoại giao phối hợp cơ quan của các nước khác, bảo vệ công dân Việt Nam, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nước ta; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị kỹ nội dung trao đổi liên quan về chống khai thác IUU trong các cuộc đối thoại cấp cao, đảm bảo tranh thủ sự ủng hộ tích cực của các bên liên quan đổi với quyết tâm chính trị của Việt Nam trong gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Về công tác ngăn chặn, chống khai thác IUU, sớm gỡ “Thẻ vàng”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Thủ tướng nhấn mạnh việc này trước hết vì lợi ích của đất nước, người dân, không phải làm đối phó. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cả Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương xử lý nghiêm minh;

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ về những sai phạm, phối hợp nghiêm cùng Toà án xử lý nghiêm sai phạm; triển khai Đề án 06 trong kiểm soát công dân khai thác, trình báo chưa đúng quy định của pháp luật;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất. Tiếp tục các nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp tạo sinh kế, việc làm của ngư dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến, giảm đánh bắt khai thác xa bờ.

Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu phải tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo các cấp thẩm quyền diễn biến của Đoàn Thanh tra; có giải pháp phát triển ngành thuỷ sản phát triển bền vững theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, đặc biệt là cấp cơ sở khẩn trương làm tốt công tác quản lý nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài; quy hoạch lại việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản;  xây dựng quy trình đánh bắt bền vững, khai thác mang tính chất phát triển chứ không phải là đánh bắt cạn kiệt; quản lý tốt, chuẩn bị các kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra EC với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, có giải trình, giải thích để Đoàn thông cảm; bố trí các địa điểm hợp lý để Đoàn đến kiểm tra; truyền tải cho Đoàn thấy việc này vì quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá (số lượng đã đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; số lượng chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoặc hết hạn, tàu cả hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh; tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS...) để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giảm sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; đặc biệt các tàu cá “3 không”; động viên, giúp đỡ những người yếu thế, những người chưa chuyển đổi được nghề nghiệp; động việc ngư dân khai thác hợp pháp, chấp hành luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế; xử lý nghiêm nhưng cũng phải có nhân văn, nhân đạo. 

Tổ chức thực hiện nghiêm quy định quản lý tàu cá, hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật dầy đủ dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), số liệu đảm bảo thống nhất tại báo cáo của địa phương và trên VNFishbase. Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; đảm bảo 100% tàu cả cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác. Tuân thủ nghiêm quy định về xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (xử lý hình sự nếu đủ căn cứ).

Rà soát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp, nhất là khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, hành vi mất kết nối thiết bị định vị VMS trên 10 ngày. Bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) cho các lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm và có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên, khen thưởng phù hợp.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và nghiêm túc kiểm điểm tổ chức, cá nhân tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa Phương theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng với các Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các quy định về IUU; không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc IUU hoặc không xác định, truy xuất được nguồn gốc; không vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài; không vì lợi ích của doanh nghiệp mà quên lợi ích của đất nước; tuyên truyền, giáo dục ngư dân thực hiện đúng luật pháp.

Các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Đảng, về phát triển ngành thuỷ sản bền vững, bảo vệ môi trường biển; về lâu dài cần tạo sinh kế, việc làm của ngư dân ổn định.

Đối với ngư dân, ý thức trách nhiệm của công dân phải sống và làm việc theo pháp luật; có trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quan hệ quốc tế. Các cơ quan chức năng vừa tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, vừa phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm; phải để người dân tự giác thực hiện nghiêm “đi khai, về báo” trong khai thác hải sản; tuyên truyền người dân nâng cao ý thức pháp luật trong bảo vệ môi trường; các cơ quan phải hài hoà trong xử lý trách nhiệm của người dân. Chính quyền các cấp nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý công dân, tuyên truyền giáo dục nhưng đi đôi với chia sẻ khó khăn của người dân; hỗ trợ tạo sinh kế của người dân. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những sai phạm kéo dài liên quan IUU tại địa phương. Phải coi việc này là tiêu chí để đánh giá cán bộ; nơi nào để xảy ra sai phạm nghiêm trọng liên quan IUU thì là chưa hoàn thành trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tạo sinh kế, việc làm cho ngư dân chuyển đổi nghề, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thông qua hoạt động hợp pháp phù hợp với họ. Các cơ quan chức năng phải phối hợp với các nước trong khu vực để kiểm soát công dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ; phối hợp các nước xử lý vấn đề này nhân văn, nhân đạo. Để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị đầy đủ tài liệu, trung thực, thể hiện quan điểm với họ là Việt Nam làm việc này là vì lợi ích đất nước, cho chính người dân Việt Nam; đồng thời đề nghị họ chia sẻ vì những yếu tố khách quan trên tinh thần hợp tác, hữu nghị.

Thủ tướng kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các cấp, nhất là cấp cơ sở; kêu gọi nhân dân đề cao ý thức trách nhiệm, bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, đánh bắt khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, lâu dài; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc để hành động; chúng ta động viên những cách làm hay, điển hình tiên tiến trong vấn đề này để nhân rộng; cương quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, thiếu ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; hài hoà giữa giáo dục, xử lý.

Từ khóa: thủ tướng, khai thác thủy hải sản, phòng, chống khai thác IUU.

Thể loại: Nội chính

Tác giả: vũ khuyên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập