Thủ tướng: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao
Cập nhật: 05/10/2024
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia
Tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa Việt Nam - Brazil - Cộng hòa Dominicana
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng vì vậy phải có cách làm mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
Sáng nay (5/10), Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và tình hình triển khai các dụ án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước.
Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 10, Khoá XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, với quan điểm “bàn làm, không bàn lùi”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình Trung ương, Quốc hội, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất việc huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các dự án.
Yêu cầu “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào, dứt việc đó” và phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Thảo luận sôi nổi tại phiên họp các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, đây là dự án quan trọng, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Báo cáo tại phiên phọp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, phạm vì đầu tư dự án với điểm đầu tại Thành phố Hà Nội là tổ hợp ga Ngọc Hồi. Điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh là ga Thủ Thiêm. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Để tối ưu chi phí vận tải, phát huy ưu thế của từng phương thức, kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, công năng của tuyến đường sắt trên trục Bắc - Nam, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất: xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp.
Hướng tuyến được nghiên cứu theo các nguyên tắc: phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; đảm bảo chiều dài tuyến giữa các điểm khống chế là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến; phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh... hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực dân cư tập trung đông đúc, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu. Trên các nguyên tắc này, Bộ GTVT đã thỏa thuận với các địa phương và được các địa phương thống nhất bằng văn bản, đồng thời hướng tuyến đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc: phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện. Phương án bố trí ga khách nêu trên tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải, chiều dài 1.318 km, tốc độ thiết kế 380 km/h, bố trí 24 ga.
Đến nay, vị trí các ga đều đã được thỏa thuận thống nhất với địa phương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác, trường hợp địa phương hình thành đô thị có quy mô dân số đủ lớn", khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ nghiên cứu bổ sung ga và giao cho địa phương chủ trì đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
Tại phiên họp này các thành viên Chính phủ cũng thảo luận về các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc gồm: Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có phạm vi, tuyến có chiều dài khoảng 380km, điểm đầu tại Lào Cai (điểm nổi ray giữa Việt Nam và Trung Quốc), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện. Tuyển kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai; Và tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong quá trình tổ chức triển khai cần có kế hoạch chi tiết để xem cần rút ngắn thời gian triển khai dự án ở khâu nào để vừa vượt tiến độ, vừa giảm được chi phí cho nhà nước. Tuyến đường phải chạy thẳng nhất có thể, đảm bảo tốc độ tối đa và thêm các đường kết nối. Cùng với đó cần phải tăng cường công tác tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương Bộ Giao thông Vận tại, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã làm rất khẩn trương, cật lực trong xây dựng hồ sơ và trong quá trình thẩm định, lấy ý kiến của hội đồng thẩm định trên tinh thần hoàn thành sớm nhất có thể.
Thủ tướng cho biết, Trung ương, Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu tối đa các ý kiến, ý kiến nào không tiếp thu thì giải trình cho hội đồng một cách thỏa đáng. Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến góp ý đúng, trúng, đúng tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị hồ sơ kỹ càng để trình Quốc hội.
Về đầu tư toàn tuyến, Thủ tướng yêu cầu cần bám sát toàn tuyến và tốc độ là 350km/h để tính toán phương án kỹ thuật, hướng tuyến, tinh thần là thẳng nhất có thể, tránh các đường ngang cắt, tránh đường vào khu đông dân cư lớn, khu đô thị, qua núi đào núi, qua sông thì bắc cầu, qua ruộng đổ đất cát, đảm bảo tốc độ, tạo ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường khi khai thác phải lưỡng dụng vừa phục vụ cho vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa, vừa cho quốc phòng vừa cho an ninh. Khi tính toán các ga phải để khoảng nhất định để đảm bảo về mặt quân sự, quốc phòng khi đi qua các tỉnh như: Nha Trang, Đà nẵng, đi qua khu vực miền Trung, Tây nguyên.
Về quy hoạch phải đảm bảo với quy hoạch quốc gia, kết nối các sân bay, các cảng lớn, dọc theo tuyến Bắc Nam và phải chú ý cả việc kết nối hành lang Đông Tây và kết nối với các tuyến quốc tế như: Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại sơ bộ tổng mức đầu tư cho chính xác, phù hợp, tránh tình trạng thẩm định nhiều mà làm ít, tránh chênh lệnh giữa dự án khả thi và dự án tiền khả thi. Cùng với đó rà soát danh mục dự án, thủ tục quy trình, tinh thần là làm tăng tốc, thủ tục phải thông thoáng, cơ chế chính sách xem thiếu gì thì bổ sung.
Thủ tướng chỉ rõ, đa dạng hóa các nguồn lực, cả về tài chính, nhân lực và công nghệ, kỹ thuật. Về nguồn lực tài chính một phần lấy từ đầu tư công của Trung ương, nguồn lực của địa phương và nguồn lực đi vay, phát hành trái phiếu công trình và huy động các nguồn lực hợp pháp khác bằng các cơ chế chính sách đặc thù.
Về nhân lực phải xác định rõ nhân lực nào ở trung ương làm, địa phương làm, doanh nghiệp làm, tinh thần là huy động cả hệ thống chính trị vào làm dự án này.
Thủ tướng nêu rõ, nguyên tắc là dự án khi được Quốc hội, Chính phủ quyết rồi thì phải quyết tâm làm và phải phân cấp cho các địa phương trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Thủ tướng lưu ý thêm, về mặt thủ tục phải rút gọn, vật liệu xây dựng phải có chính sách đặc thù, nhân lực phải đào tạo và huy động những người giỏi lĩnh vực này vào làm. Cùng với đó thành lập tổ làm việc chuyên trách về dự án này. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải điều động cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật tốt nhất để phục vụ cho dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Phó Ban chỉ đạo để phụ trách trực tiếp dự án này. Tiến độ là phải xong hồ sơ trước 10/10 để gửi cho các thành viên trong hội đồng thẩm định trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng vì vậy phải có cách làm mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả để triển khai dự án.
Từ khóa: đường sắt, đường sắt tốc độ cao, Dự án đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Mình Chính
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN