Thủ tướng: Quảng Ninh không được thỏa mãn “non” về kết quả đạt được
Cập nhật: 24/05/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thủ tướng: Tỉnh không đặt vấn đề thay đổi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm nay, không chủ quan với đại dịch Covid-19.
Sáng 24/5, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. |
Đây là địa phương tiếp theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc sau một số địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Đây cũng là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Quảng Ninh trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh chưa thay đổi các mục tiêu phát triển trong năm nay, dù gặp khó khăn của Covid-19, đồng thời tiếp tục chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ “đen” sang “xanh”.
Theo báo cáo của tỉnh, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trường bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt gần 11%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; năm 2019, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm gần 46%, công nghiệp chiếm 48%, nông nghiệp chiếm 6,0%.
Quý 1 năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 song tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 7,2%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến gần cuối tháng 5 này là gần 19.300 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán năm. Tỉnh phấn đấu sẽ hoàn thành mục tiêu thu ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người năm nay ước đạt khoảng 6.500 USD, cao gấp đôi bình quân chung cả nước.
Với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu” sang "xanh", du lịch của Quảng Ninh ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Số lượng khách du lịch năm ngoái đạt 14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt gần 5,8 triệu lượt.
Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tính đến hết năm ngoái, tỉnh có 5/13 đơn vị cấp huyện, 82,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1,0%.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Quảng Ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực. Quảng Ninh là một trong những địa phương năng động, có nhiều hình thức đầu tư và thu hút hiệu quả nhiều nguồn lực xã hội để phát triển.
Đánh giá cao du lịch nội địa tại Quảng Ninh đang phục hồi tốt, không khí hoạt động du lịch dần trở lại sôi động, Thủ tướng cho biết, việc Thủ tướng làm việc tại Quảng Ninh cũng là để phát động, ra quân về du lịch Quảng Ninh và cả nước, trong đó lấy du lịch nội địa làm trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần một không khí mới về hoạt động du lịch, đầu tư sản xuất kinh doanh trên cả nước như đang diễn ra ở Quảng Ninh: “Các đồng chí đã khởi động du lịch mạnh mẽ, nhất là du lịch nội địa. Chúng ta vui mừng là chỉ trong những ngày đầu mùa hè này khi Thủ tướng đã hủy bỏ giãn cách xã hội thì toàn tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị hết sức, rất là nô nức để ngày 23/5 có trên 11.000 khách đến Hạ Long.
Ngày 23/5, Sungroup đã đưa vào sử dụng 2 công trình lớn nước khoáng mặn cửa biển nổi tiếng thế giới và 1 khu nghỉ dưỡng 5 sao đã được khánh thành... Đây là khởi động cần thiết. Nhân đây tôi cũng chính thức yêu cầu các địa phương trong cả nước thúc đẩy mạnh mẽ, chuẩn bị mọi điều kiện để thúc đẩy du lịch nội địa với dân số gần 100 triệu dân”.
Ấn tượng về sự phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch của Quảng Ninh, Thủ tướng cho rằng, đây là bài học tốt cho các địa phương, từ việc hoàn thiện sân bay, bến cảng, hệ thống cao tốc được đầu tư theo hình thức công-tư: “Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ bởi “vàng đen” mà đặc biệt là “vàng xanh”, đó là tiềm năng du lịch, các bờ biển xanh, sạch, nổi tiếng của đất nước Việt Nam. Cho nên Quảng Ninh giờ đây là hình mẫu thành công chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ “đen” sang “xanh”.
Và ở đây “xanh” và “đen” cũng như 1.600 km2 đất đai ở đây tiếp tục đóng góp phát triển đất nước thời gian tới. Than tiếp tục làm bằng công nghệ mới, bảo vệ môi trường chứ không phải từ “đen” sang “xanh” mà chúng ta bỏ ngành than, mang lại nguồn lợi lớn của đất nước. Sự thành công kết hợp toàn diện ấy, đặc biệt phát triển xanh, vàng xanh cùng vàng đen và công nghệ, quản lý tốt môi trường, là cảm hứng mạnh mẽ cho địa phương khác trong cả nước”.
Từ Quảng Ninh, Thủ tướng cho rằng, có thể rút ra nhiều bài học phát triển có giá trị: đó là bài học về quản lý khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, nhất là giữ gìn nguồn tài nguyên khan hiếm, những di sản văn hóa; Bài học về tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn mực quốc tế; Bài học về phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân như những con sếu đầu đàn; Bài học về phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo; và bài học về sự chia sẻ thành quả phát triển đến người dân, theo đổi mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của Quảng Ninh, như quy mô về kinh tế còn nhỏ so với một tỉnh có dân số 1,2 triệu người, diện tích lớn gấp đôi Singapore, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Quảng Ninh không được thỏa mãn “non” về kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh không đặt vấn đề thay đổi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm nay, không chủ quan với đại dịch Covid-19.
Thủ tướng thăm tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long. |
“Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển, từ tiềm năng thiên nhiên, tài nguyên nhân văn xã hội, phát huy hạ tầng hiện có, đặc biệt tiềm năng về con người năng động, quyết trí. Tôi cho rằng tiềm năng sẽ còn mãi nếu chúng ta biết giữ gìn, vun xới.
Chúng ta đều hiểu, thách thức của Quảng Ninh, của Việt Nam không chỉ là cạnh tranh toàn cầu mà còn là đổi mới, cần phải vượt lên chính mình. Không chỉ là yêu cầu của con người mà là nhu cầu của thị trường theo xu hướng mới. Một xu hướng yêu cầu các giá trị an toàn, các giá trị về tôn trọng tự nhiên, trách nhiệm với cộng đồng.
Chính vì thế, tôi mong muốn các đồng chí cần có chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế du lịch mũi nhọn ở Quảng Ninh bởi chúng ta chưa phải đóng góp lớn mà mới chỉ bước đầu. Ngoài ra vị thế mới, vận hội mới, thời cơ mới, với sự chủ động ứng phó trong chiến lược phát triển thì đòi hỏi các đồng chí phải có lối đi bài bản, quyết liệt trong nhiệm kỳ tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, thế mạnh của Quảng Ninh là phát triển đô thị khi hiện có 65% dân số đã sống ở đô thị, để trước năm 2030, Quảng Ninh phải là một thành phố; Tập trung nghiên cứu phát triển nhà ở công nhân trên địa bàn, nhất là đối với công nhân ngành than, tránh tiêu cực xảy ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục phát triển doanh nghiệp quy mô và chất lượng hơn; Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, xóa hết nghèo và xây dựng toàn tỉnh giàu mạnh. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh tập trung đại hội Đảng các cấp thành công, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, trong sáng 24/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ và cắt băng khánh thành cầu Bài Thơ và tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long. Trước đó trong chiều qua, Thủ tướng đã dự lễ khai trương giai đoạn 1 Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh tại thành phố Cẩm Phả, do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là một trong những dự án nhằm kích cầu du lịch của Quảng Ninh hiện nay./.
Từ khóa: Thủ tướng, Quảng Ninh, vàng xanh, vàng đen, du lịch
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN