Thủ tướng: Phát triển nhanh miền Trung, bây giờ hoặc không bao giờ

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Theo Thủ tướng, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ cao. Chính vì thế, miền Trung phải sốc tới

Sáng nay (20/8), tại Quy Nhơn, Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

thu tuong: phat trien nhanh mien trung, bay gio hoac khong bao gio hinh 1
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm gần 29% cả nước.

Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng hiện khoảng gần 2.100 USD, thấp hơn mức bình quân 2.600USD của cả nước. Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, nhưng miền Trung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều người ví miền Trung như như “chiếc đòn gánh” trên vai của con người, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh yếu thì đòn gánh sẽ gãy. Vì vậy, bàn về miền Trung, phát triển miền Trung không phải là việc riêng, việc của 14 tỉnh. Cho nên việc hiện diện đông đủ không chỉ lãnh đạo 14 tỉnh miền Trung, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đúng mức về tầm quan trọng về sự phát triển của miền Trung đối với đất nước ta.

thu tuong: phat trien nhanh mien trung, bay gio hoac khong bao gio hinh 2
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

"Gỡ nút thắt cơ chế thì đi thôi đã nhanh mà không cần chạy"

Nêu quan điểm về phát triển kinh tế miền Trung, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho rằng, quy hoạch phát triển vùng là rất quan trọng, nhất là khi chiều dài của vùng lên đến 1.400 km. Theo đó, quy hoạch phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là các lĩnh vực như lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và phát triển du lịch. Cùng với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông Chiến cũng nhấn mạnh đến các nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đây là thời cơ rất quan trọng để phát triển Vùng kinh tế miền Trung. Theo đó, để phát triển vùng mạnh mẽ, thì nhất thiết phải phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó phát triển công nghiệp chế biến phải gắn với lợi thế khai thác kinh tế biển, rừng. Bên cạnh phát triển các cảng phải phát triển dịch vụ logistic. Bởi nếu phát triển cảng mà không phát triển dịch vụ thì không thể phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, điều quan trọng nữa theo ông Trần Du Lịch, chính là phải tháo gỡ các nút thắt về thể chế và đề nghị cần có một thể chế, cơ chế vượt trội để miền Trung phát triển. Theo ông, một số quy định, thể chế hiện nay còn mang tính trói buộc khiến “chúng ta muốn đi nhanh không đi được, muốn bước nhanh coi chừng té. Nếu tháo gỡ được nút thắt này thì chỉ đi thôi đã nhanh rồi, không cần chạy nữa”.

Theo đó, ông Trần Du Lịch đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính xem bao nhiêu dự án đầu tư vùng này phải mang ra Trung ương và mất bao nhiêu ngày để hoàn thành thủ tục. Bởi chính sự chậm trễ về thủ tục sẽ làm miền Trung chậm phát triển.

Trước thực tế nguồn nhân lực vùng chưa đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, nhân lực cho phát triển kinh tế biển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo ở miền Trung để đào tạo nhân lực sát với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó có việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kinh tế biển, gồm cả nhân lực phục vụ khai thác, bảo quản, chế biến.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông tương đối tốt với đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Với 9 sân bay trong vùng, cho phép máy bay A320, A321 có thể cất hạ cánh an toàn, với Học viện Hàng không sắp tới được mở tại Quy Nhơn, thì vấn đề còn lại là đầu tư các nhà ga để đảm bảo hiện đại. Và hiện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư 45.000 tỷ đồng để nâng cấp các cảng hàng không.

thu tuong: phat trien nhanh mien trung, bay gio hoac khong bao gio hinh 3
Thủ tướng tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm thế mạnh của miền Trung.

Miền Trung phải xốc tới

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những người con miền Trung, dù đã cao tuổi nhưng nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển của miền Trung và đất nước vẫn rất lớn, trong đó có vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Nguyễn Mại. Do đó, Thủ tướng cho rằng, các lớp đi sau cần phải noi theo các tấm gương như thế.

Nói về sự phát triển của miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế xã hội miền Trung đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, miền Trung cũng gặp phải các nút thắt phát triển, như: động lực tăng trưởng nói chung, trong đó vai trò của công nghiệp của vùng còn yếu và thiếu bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm và vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành; mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo, thiếu liên kết; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường...

Chỉ ra các điểm yếu, nút thắt đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.

"Miền Trung phải xốc tới. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Vậy tổng quát nhất của hội nghị hôm nay là gì?" - Thủ tướng nói vàcho rằng, miền Trung phải vận dụng chiến lược phát triển kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế: Ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản; Du lịch, nhất là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch phía Tây miền Trung; Cảng biển và dịch vụ logistic; Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; Năng lượng tái tạo.

Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng và xây dựng thể chế phát triển vùng, gắn với quy hoạch phát triển vùng rõ hơn. Trong đó gồm cả việc phải phân lại vùng kinh tế một cách hợp lý hơn; Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, thực sự là nơi “ đất lành chim đậu”.

Trước mắt, các tỉnh cần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, năm bản lề, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết giữa các tỉnh/thành phố trong Vùng và với vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tránh dàn trải, đặc biệt là kinh tế biển; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa, tạo không gian cho liên kết vùng, tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

Thủ tướng cũng lưu ý vùng thu hút FDI cần có chọn lọc, thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu của thế giới trong các lĩnh vực, ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập, các dự án gắn với liên kết cụm ngành. Cùng với kiểm soát ô nhiễm môi trường cần kiểm soát tình trạng rác thải nhựa, để môi trường sống và biển miền Trung luôn sạch, đẹp.

thu tuong: phat trien nhanh mien trung, bay gio hoac khong bao gio hinh 4
Thủ tướng trao cờ và túi thuốc cho ngư dân Bình Định.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, để giúp miền Trung phát triển. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; cùng với các địa phương trong vùng, chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của Vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Giao thông vận tải cần đề xuất giải pháp phát triển giao thông kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Phải nghiên cứu về việc phát triển sân bay, cảng biển của miền Trung sao cho hợp lý, trong đó những sân bay lớn cần tính toán các hình thức xã hội hóa đầu tư.

Cùng với phát triển các cảng, giao thông, Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương, cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của Vùng; tạo điều kiện cho các tỉnh/thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ Vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển vốn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng đã trao cờ và túi thuốc sơ cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu tỉnh Bình Định. Hoạt động nằm trong Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao động khởi xướng./.

Từ khóa: Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, miền Trung

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập