Thủ tướng: Phân cấp, phân quyền là một điểm nghẽn cần tháo gỡ
Cập nhật: 05/11/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Thủ tướng cho biết, về vấn đề phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây cũng là một điểm nghẽn chúng ta cần tháo gỡ.
Chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ các vấn đề Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, trong đó Thủ tướng đã báo cáo về cập nhật tình hình KT-XH 10 tháng 2022 và chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục.
Chính phủ tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023 và vấn đề về tăng năng suất lao động.
Đặc biệt về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu.
“Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước" - Thủ tướng cho biết.
Trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng đã trả lời nhiều vấn đề nóng mà các đại biểu và cử tri quan tâm, đặc biệt về vấn đề chậm trễ trong việc ban hành nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành.
Đại biểu Nguyễn Thị Kinh Anh (đoàn Bắc Ninh) nêu ý kiến, Quốc hội khóa XV đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới, tuy nhiên đã hơn 1 năm, nhiều nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành phải chờ nghị định. Việc chậm trễ này ít nhiều tác động tới tâm lý của cán bộ, công chức, người lao động. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân của việc chậm trễ nêu trên? Thủ tướng Chính có giải pháp căn cơ gì để chỉ đạo các bộ, ngành sớm ổn định, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tổ chức thực hiện và phấn đấu trong tháng 11 này hoàn thành các Nghị định với tinh thần bám sát Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương khóa XII về tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Kết quả đến nay, Chính phủ đã giảm được 17 tổng cục, 8 cục, hơn 100 vụ. Tuy chậm nhưng có được hiệu quả rõ nét, cần được tiếp tục thực hiện.
"Giải pháp căn cơ khi bộ máy có rồi là con người; vấn đề con người, cán bộ quyết định đến sự vận hành bộ máy" - Thủ tướng cho biết.
Vấn đề quan điểm của Đảng, Chính phủ về định hướng đường lối đối ngoại của Việt Nam trong tình hình thế giới hiện nay, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: "Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của chúng ta. Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội và cá nhân tôi cần biết quan điểm của Đảng của Chính phủ để thống nhất phát ngôn và hành động".
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết: "Chúng ta theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước thế giới, vì mục tiêu hòa bình hợp tác và phát triển; là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, với ba trụ cột chính ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, và ngoại giao văn hóa. Đường lối đối ngoại của Việt Nam không chọn bên, chúng ta chọn công lý và lẽ phải, thể hiện thái độ theo tinh thần như vậy. Các vấn đề liên quan đến quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực và trên thế giới phù hợp với đường lối quan điểm đối ngoại của chúng ta".
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước; khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ vấn đề phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng cho biết, về vấn đề phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Đây là hai vấn đề song song với nhau. Ngay cả Chính phủ cũng rất muốn phân cấp, phân quyền nhưng đang vướng một số luật, nên bây giờ phải rà soát lại một số văn bản quy phạm pháp luật và trên cơ sở thực tiễn phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý. Đây cũng là một điểm nghẽn chúng ta cần tháo gỡ./.
Từ khóa: Thủ tướng trả lời chất vấn, chất vấn Thủ tướng CHính phủ, Thủ tướng trả lời về phân cấp phân quyền, giá xăng dầu
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN