Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhu cầu nhà ở của công nhân là rất cấp bách

Cập nhật: 01/08/2022

VOV.VN - Theo Thủ tướng, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách.

Sáng 1/8 diễn ra Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ Trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ ban ngành; địa phương và các doanh nghiệp. 

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội; là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng này; Phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển thị trường bất động sản (BĐS) phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nước ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong quá trình đó lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Trong phát triển nền công nghiệp, yếu tố con người là đặc biệt quan trọng.

Cũng theo Thủ tướng, một trong những trăn trở lớn của Đảng, Nhà nước là chăm lo đời sống của công nhân lao động, người thu nhập thấp và đã có rất nhiều chương trình cho các đối tượng này, trong đó có chăm lo về nhà ở cho người dân. Do đó, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách về nhà ở, vì đây cũng là yêu cầu đáp ứng các quyền của mỗi công dân, gồm quyền có công ăn, việc làm, có chỗ ở, được mưu cầu hạnh phúc... Tuy nhiên, do xuất phát điểm của đất nước thấp, là nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, bị tàn phá trong chiến tranh nên chưa thể đáp ứng ngay các nhu cầu của người dân.

Thực hiện các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đến nay có 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội được xây dựng, giúp lo chỗ ở cho hàng trăm ngàn công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đặt ra, mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp rất cấp bách.

"Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách. Vừa qua, tôi có đi làm việc, có đến thăm một số nơi công nhân ở, nhất là các tỉnh có khu công nghiệp thấy rất vất vả, chật hẹp và tự phát nhiều hơn là có sự lãnh đạo chỉ đạo. Tất nhiên nói như vậy không phải là tất cả, nhưng thấy rất bất cập, chỗ ở của các cháu, các anh, chị em công nhân còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về diện tích, không gian, đặc biệt là về môi trường, vệ sinh, vì không được tổ chức một cách bài bản, quy hoạch một cách căn cơ' - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng mong muốn tại hội nghị này, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cùng thảo luận, nhận diện những kết quả, nhất là hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội; tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhân hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn, biểu dương các doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng làm tốt công tác anh sinh xã hội, tham gia cùng Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống cho người dân, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua. Các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ vì mình, mà vì trách nhiệm xã hội, đó cũng là phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần đó, đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu thời gian tới là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đó, đến năm 2025: hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ; tiếp tục khởi công các dự án mới; Đến năm 2030 hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách như cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV). Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Cùng với đó phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội./.

Từ khóa: Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, xây dựng nhà thu nhập thấp cho công nhân, Thủ tướng dự hội nghị phát triển nhà ở cho công nhân, Hoạt động của Thủ tướng

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập