Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp
Cập nhật: 13/01/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sáng 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Theo thống kê, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (GDP) đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Đã có nhiều chuyển biến thực tiễn về ‘tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp’ với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở; trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu NLTS. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Năm 2022 đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm; các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu NLTS cao kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.
Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng để nhanh chóng chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kịp thời truyền tải đến cộng đồng các kết quả chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng theo chất lượng, hiệu quả.
Năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính là kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng Ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.
Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai./.
Từ khóa: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN