Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022
Cập nhật: 23/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sáng nay 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW”.
Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự diễn đàn còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan, cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương.
Thời gian qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận như, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu để quyết tâm xây dựng công dân số, kinh tế số, xã hội số.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ trung ương đến địa phương. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm y tế…
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng kịp thời, hiệu quả; Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển đa dạng hình thức tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1,7 nghìn HTX thành viên trong dó có trên 5 nghìn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28 nghìn hợp tác xã, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100 nghìn tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%.
Đây là những mục tiêu khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự nỗ lực tự thân của các tổ chức kinh tế hợp tác, sự giúp đỡ của quốc tế và chúng ta cùng phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ bây giờ. Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng. Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.
Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển KTXH. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.
Kinh tế tập thể chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu
Thủ tướng khẳng định, phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Tại diễn đàn này Thủ tướng yêu cầu đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20 của Trung ương.
Trong đó tập trung vào thảo luận các nội dung gồm: Phân tích cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng; Chia sẻ những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách) và các giải pháp cụ thể, gắn với từng bộ, ngành cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã;
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người dân./.
Từ khóa: diễn đàn kinh tế hợp tác xã, chuyển đổi số, diễn đàn chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN