Thủ tướng: Phải “rờ gáy” nơi giải ngân vốn chậm
Cập nhật: 16/07/2020
VOV.VN - Thủ tướng chỉ đạo, phải biểu dương hoặc phê bình, lên án các đơn vị về giải ngân trên báo chí và thông qua họp Tỉnh ủy, HĐND.
Sáng 16/7, kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải “rờ gáy” những người làm trực tiếp, quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu để tình trạng giải ngân vốn chậm.
Nêu nhiều giải pháp mạnh, Thủ tướng yêu cầu 2 tuần một lần, các bộ, ngành địa phương phải báo cáo về tình hình giải ngân. Từ tháng 8 tới, Thủ tướng sẽ yêu cầu điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân cho dự án khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. |
HĐND phải đồng hành cùng UBND
Ngay đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công khai tên của những địa phương giải ngân đạt kết quả tốt và những địa phương giải ngân chậm, đạt dưới 20% kế hoạch năm. Điều đáng chú ý là trong số các địa phương có tốc độ giải ngân nhanh không có những địa phương kinh tế trọng điểm có lượng vốn đầu tư công lớn như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ… Ngược lại, trong nhóm các địa phương chậm giải ngân lại có Đà Nẵng, một trọng những địa phương kinh tế lớn của cả nước.
Với tỷ lệ giải ngân trên 80% vốn đầu tư theo kế hoạch trong nửa đầu năm nay, Tiền Giang là địa phương giải ngân cao nhất cả nước. Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, tỉnh áp dụng mô hình Chủ tịch UBND tỉnh, huyện tiếp công dân giải quyết khiếu nại kết hợp với công tác giải phóng mặt bằng.
"Từ đầu năm, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết để ban hành cho UBND tỉnh linh động trong điều chuyển vốn các công trình. Như vậy ngay từ đầu năm đã có điều chỉnh vốn chứ không chờ đến tháng 6. UBND tỉnh cũng quy định đến tháng 6, địa phương nào không giải ngân được thì sẽ điều chuyển vốn. Do đó công tác chỉ đạo rất thuận lợi. Ngay từ đầu năm, UBND cũng phân công 4 Chủ tịch, Phó Chủ tịch lập 4 tổ công tác làm việc với các huyện để giải quyết hỗ trợ hồ sơ, giải phóng mặt bằng' - ông Lê Văn Hưởng chia sẻ.
Cũng là địa phương giải ngân tốt, đạt trên 60% kế hoạch trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu kinh nghiệm về giao trách nhiệm cho người đứng đầu, ngay tháng 7 này, kiên quyết điều chuyển vốn sang các dự án khác nếu giải ngân chậm.
Theo ông, ngay từ đầu năm địa phương đã có văn bản cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phân khai ngay một lần các nguồn vốn được giao để các địa phương, các ngành có điều kiện triển khai sớm. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo giải ngân thông qua tổ công tác. Đối với các dự án trọng điểm thì giao trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND theo dõi chỉ đạo, chịu trách nhiệm đôn đốc giải ngân, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để giải ngân đạt 100% trong năm nay.
Đánh giá cao Nghệ An đã nỗ lực và giải ngân được trên 60% vốn kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, một kinh nghiệm rất quan trọng là những dự án lớn quan trọng, lĩnh vực quan trọng thì giao Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, điều hành, bao gồm cả vấn đề xử lý và giải ngân, để nêu cao tinh thần trách nhiệm. Không phải Chủ tịch cứ ôm hết nhưng không nắm được cụ thể, không kiểm tra đôn đốc. Đây là điều các tỉnh cần lưu ý.
Bộ phải “đeo bám” dự án của địa phương
Trong các Bộ được giao vốn đầu tư công năm nay, Bộ Giao thông vận tải có số vốn lớn nhất với 39.700 tỷ đồng và hiện giải ngân được 35%. Tại hội nghị, cam kết giải ngân hết vốn trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong Thủ tướng gửi một thông điệp mạnh mẽ với các địa phương.
Nếu mặt bằng các địa phương không hoàn thành thì xử lý trách nhiệm địa phương. Những địa phương chậm giải phóng mặt bằng Bộ vừa họp giao ban hôm qua. Nếu Chủ tịch các tỉnh không quyết liệt thì chậm và Bộ sẽ điều chuyển vốn.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu các nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đều thuộc diện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như chậm giải phóng mặt bằng, vấn đề về đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, tình trạng chờ thanh một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu. Trong nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân, Bộ cam kết sẽ sửa đổi cơ chế chính sách, nhất là về việc giảm thời gian thanh toán, tăng cường thanh toán trước, kiểm soát sau chỉ trong vòng 1 ngày.
Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Các bộ, ngành phải phân công cán bộ đeo bám các dự án của các địa phương. Vướng mắc ở đâu phải kịp thời tháo gỡ. Nhiều khi chỉ vướng về vấn đề giải thích do quy định vướng luật này, mắc luật kia. Địa phương cũng vậy, cần phân công, giao nhiệm vụ từng dự án, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong từng khâu".
Đầu tư công không phải nạn nhân của Covid-19
Phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh nhận thức đúng thì các bộ, ngành, địa phương mới có hành động mới quyết liệt, quyết tâm chính trị mới cao, Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng triệu người. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công phải là “cứu cánh” trước bối cảnh đại dịch Covid-19 chứ không phải giải ngân đầu tư công là nạn nhân của Covid-19.
Toàn cảnh hội nghị. |
Nêu rõ kế hoạch năm nay phải giải ngân hết gần 28 tỷ USD vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, đến nay vẫn còn sự chậm trễ, bất cập, trong đó còn tới 27 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, địa phương phân bổ; việc giải ngân vốn ODA rất chậm.
Biểu dương một số giải ngân hiệu quả, nhưng phê bình những địa phương không sát sáo chỉ đạo, không vào cuộc mạnh mẽ, Thủ tướng nêu một số địa phương giải ngân đạt từ 45% trở lên gồm Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Thủ tướng cũng chỉ ra các địa phương giải ngân chậm, dưới 20% kế hoạch, gồm: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, mức giải ngân vốn dưới 20% kế hoạch.
Cho biết ngay trong tuần này, Trung ương sẽ kiểm tra những địa phương có giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, địa phương đều phải kiểm tra đôn đốc đến cấp huyện và xã. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư công phải là tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ.
Biểu dương Bộ Xây dựng đã đình chỉ một số cán bộ thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải “rờ gáy” những người làm trực tiếp, quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu để tình hình giải ngân vốn đầu tư công có sự chuyển biến.
"Anh không làm phải có biện pháp với anh, chứ không phải không làm, biết đó mà không xử lý. Nói hoài, nói mãi không chịu làm. Không lẽ chúng ta vô hiệu lực trong chuyện này sao? Lần này phải đưa ra các chế tài cần thiết. Ngoài biện pháp Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này sang ngành khác, từ công trình này sang công trình khác, thì còn có các chế tài khác về thi đua khen thưởng và xử lý các vấn đề đặt ra như đánh giá cán bộ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, phải biểu dương hoặc phê bình, lên án các đơn vị về giải ngân trên báo chí và thông qua họp tỉnh ủy, HĐND. Họp Chính phủ hàng tháng sẽ biểu dương những địa phương, ngành làm tốt, phê bình địa phương và ngành giải ngân không tốt. Từ đó phải kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm và công khai trên báo chí để đảm bảo sự nghiệm khắc trong thực thi công vụ.
Song song với yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương, bộ ngành hỗ trợ giải ngân các nguồn vốn xã hội, vì đầu tư xã hội chiếm 34% GDP, trong đó có đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài….
"Đề nghị cả nước và từng địa phương phát động một phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI. Trong đó có việc học tập trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư xã hội. Các địa phương và các bộ, ngành phải có một chương trình cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội. Chương trình đó phải được viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi báo cáo về Thủ tướng Chính phủ, chứ không nói chung chung" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải quyết tâm, có văn bản chỉ đạo việc này, để từ đây có cơ sở đánh giá trách nhiệm người đứng đầu, sau này kiểm điểm đánh giá cán bộ.
Nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 25 tuần nữa là hết năm, Thủ tướng yêu cầu 2 tuần 1 lần, các bộ, ngành địa phương phải báo cáo về tình hình giải ngân và kiểm tra đôn đốc thực hiện. Quốc hội, Chính phủ đã mở ra cơ chế thì các bộ, ngành, địa phương phải lo việc giải ngân.
"Với luật pháp hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Bắt đầu từ đầu tháng 8, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển một cách quyết liệt vốn từ các bộ, ngành địa phương không tiêu hết tiền, tập trung cho các dự án có khả năng giải ngân, không thể để chậm trễ, không để tình trạng giữ vốn như các năm" - Thủ tướng chỉ đạo.
Tán thành với các bộ, ngành về việc các địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghịcác Bí thư, Phó Bí thư Thường trực phải hỗ trợ cho Chủ tịch huyện, xã trong giải phóng mặt bằng. Thảo luận, đối thoại với dân, công khai phương án với dân để thuyết phục nhân dân, tiếp đó có biện pháp mạnh mẽ với tình trạng chây ì, không tuân thủ kỷ cương phép nước sau khi đã giải quyết thỏa đáng các chế độ theo quy định. Hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới thuyết phục được dân. Các Chủ tịch UBND xã, phường, huyện, cơ quan trực tiếp giải phóng mặt bằng, phải có “bàn tay” che chắn, hỗ trợ của Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực, Phó Bí thư tỉnh ủy thì họ mới dám giải phóng mặt bằng. Nếu không giải phóng được mặt bằng thì chuyển vốn cho dự án khác.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp triển khai phải xử lý được 3 cái “đọng”. Thứ nhất là không được để vốn đọng, có tiền mà không giải ngân được; thứ hai là không được để nợ đọng, tức hạng mục thi công xong, dự án đã hoàn thành mà không quyết toán; thứ ba là thủ tục đọng, vốn là vấn đề rất phổ biến hiện nay./.
Từ khóa: Giải ngân vốn, Thủ tướng Chính phủ, điều chuyển vốn, vốn ODA
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN