Thủ tướng nhấn mạnh 6 ý nghĩa của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Cập nhật: 25/09/2024

VOV.VN - Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu Công nghệ cao và tiếp các doanh nghiệp sáng lập diễn đàn.

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trung tâm được thành lập trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) giai đoạn 2023 - 2026 và là kết quả của mối quan hệ ngày một phát triển giữa Việt Nam và WEF.

Tại buổi tiếp các doanh nghiệp và nhà sáng lập, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà sáng lập trong nước, quốc tế, đã nêu các ý kiến đóng góp của mình trong việc phát triển trung tâm và kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ cao, hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, tạo ra một không gian kết nối các tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước và mục tiêu thu hút nguồn lực quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, dựa trên khoa học, công nghệ và sáng tạo. Qua đó góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển chung.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch tập đoàn Sovico chia sẻ về những hoạt động của Tập đoàn và các đối tác trong phát triển nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh, thực hiện triết lý “Sáng tạo giá trị - Kiến tạo tương lai - Phát triển bền vững”, Sovico luôn tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, năng lượng và hàng không, đồng hành cùng phát triển đất nước không chỉ về kinh tế mà còn trách nhiệm xã hội và bền vững cho thế hệ tương lai.

Bà Thảo cho biết, giai đoạn vừa qua, Sovico đã phối hợp FPT triển khai thành công sáng kiến số, xử lý thần tốc việc nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), thiết lập nền tảng giao dịch an toàn và thông suốt cho đến nay mỗi phiên tới 6 đến 7 triệu lệnh với giá trị trên dưới 1 tỷ USD mỗi ngày, góp phần cho HoSE vận hành liên tục, đóng góp cho thị trường phát triển tới nay tổng vốn hoá 210 tỷ USD, sẵn sàng cho nâng hạng thị trường. Sovico và các đối tác cũng đã triển khai sáng kiến số xây dựng Cổng thông tin điện tử, góp phần vận động hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ trực tuyến cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 trong đại dịch...

Ngay tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã triển khai 3 dự án lớn gồm: HDBank tiên phong thành lập Galaxy Innovation Hub, với diện tích hơn 35.000 m² đặt tại Khu Công nghệ cao; Dự án Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Hàng không Vietjet, khởi công từ năm 2017 khánh thành vào năm 2018; Xây dựng Đại học Fullbright tại Khu CNC với số tiền tài trợ 20 triệu USD tương đương gần 500 tỷ đồng.

Trong đó, Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Hàng không Vietjet là trung tâm đào tạo hàng không hiện đại hàng đầu khu vực, hợp tác cùng Airbus, giúp đào tạo hơn 50.000 lượt học viên mỗi năm, tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao phi công, kỹ sư, nhân lực công nghệ vận hành hơn 100 tàu bay, đưa Vietjet thành một hãng hàng không tầm vóc quốc tế và góp phần hình thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay tiên tiến ứng dụng công nghệ cao cho thị trường quốc tế, sẵn sàng cho sản xuất linh kiện, công nghiệp phụ trợ hàng không

Tại sự kiện, bà Thảo gửi gắm thông điệp: "Hãy cùng nhau kiến tạo một tương lai thịnh vượng, bền vững và sáng tạo cho TP.HCM và Việt Nam".

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 4 vấn đề khi thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Thủ tướng, để có được trung tâm này bắt nguồn từ mối lương duyên giữa Việt Nam và WEF và giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với chủ tịch WEF; sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai việc này.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 ý nghĩa của Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4: "Thứ nhất, cụ thể hóa, hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và trong các nghị quyết của Trung ương về thực hiện bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thứ 2, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước; Thứ 3, thể thiện sự hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ 4.0 cùng với thế giới; Thứ 4, thể hiện vai trò tiên phong của TP, Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực; Thứ 5, thể hiện khát vọng tự hào, khẳng định bản lĩnh trí tuệ năng động sáng tạo của con người Việt Nam; Thứ 6, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với WEF trên tinh thần Việt Nam đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, có sản phẩm cụ thể."

Trên tinh thần đó Thủ tướng chỉ rõ, trách nhiệm của các bộ ngành là phải định hướng chính sách, xây dựng thể chế, có chính sách ưu tiên cho phát triển trung tâm này, cùng với đó TP.Hồ Chí Minh phải tạo điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế để trung tâm hoạt động nghiêm túc, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp và nhà sáng lập tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực, tài chính, nhân lực, quản trị để trung tâm hoạt động hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình phát huy tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả trung tâm.

Thủ tướng gửi gắm 20 chữ đối với Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm: Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.

Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng, Phạm Minh Chính,Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4,6 ý nghĩa của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Thể loại: Nội chính

Tác giả: vũ khuyên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan