Thủ tướng nêu nhiều kinh nghiệm quý trong xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Cập nhật: 06/09/2022

VOV.VN đăng toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sáng 1/9.

Hôm nay, trong không khí cả nước đang nỗ lực thi đua, lập thành tích, chào mừng 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi rất vui mừng đến dự Lễ Khánh thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho tôi gửi đến tất cả các đồng chí, các quí vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Hôm nay, trong không khí cả nước đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Thắng và các đồng chí Trung ương đến dự lễ khánh thành đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho phép tôi gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là tuyến cao tốc cuối cùng được hoàn thành của tuyến cao tốc xuyên tỉnh với tổng chiều dài 176km, chiếm 16,83% tổng chiều dài đường cao tốc của nước ta.

Tổng vốn đầu tư trên 44.000 tỷ đồng do vốn của tỉnh và doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, của tỉnh là trên 15.000 tỷ đồng (chiếm 35,5%), doanh nghiệp là trên 28.000 tỷ đồng (chiếm 64,5%). Như vậy đa số là nguồn lực ngoài nhà nước. Toàn tuyến cao tốc được thiết kế với vận tốc 120km/h, 4 làn xe.

Hôm nay chúng ta khánh thành đoạn cuối cùng, nhưng ngược thời gian nhớ lại cách đây 10 năm, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công. Vướng mắc là do thể chế, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa xây dựng để đề xuất Trung ương.

Việc triển khai dự án cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan, nhà tư vấn mới đi đến thống nhất. Rồi đường quốc lộ quốc gia nhưng do địa phương, doanh nghiệp đầu tư thì theo Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công là không cho phép. Tiếp đó là vấn đề nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nhưng vấn đề khai thác và quản lý, sử dụng, thu phí thế nào cũng là vấn đề khó khăn phải vượt qua. Cùng với đó là các vấn đề kỹ thuật trong thi công, việc xử lý sụt lún tại khu vực này được cho là “túi mưa” của tỉnh Quảng Ninh; thi công trong điều kiện dịch Covid-19, thời tiết diễn biến phức tạp…

Tuy nhiên, quan trọng nhất là những khó khăn đó đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ, các bộ ngành, trung ương, các nhà tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, Hội đồng thẩm định nhà nước cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các văn bản pháp luật hiện hành.

Để rồi ngày hôm nay chúng ta khánh thành và thông xe toàn tuyến, tuyến kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái) với tuyến đường cao tốt kết nối vùng dài nhất Việt Nam (tổng cộng 571,5km gồm: Hà Nội - Lào Cai 265km; Hà Nội - Hải Phòng 105,5km; Hải Phòng - Hạ Long 25 km; Hạ Long - Móng Cái 176km). Quan trọng hơn nữa là tuyến đường đã đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng có những ý nghĩa quan trọng:

(1) Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển hạ tầng chiến lược (một trong 3 đột phá chiến lược). Trong đó, đầu tư đường cao tốc là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng tại Nghị quyết Trung ương Khóa XI.

(2) Tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

(3) Thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó lấy đầu tư nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn vốn của xã hội.

(4) Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

(5) Phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công (không đầu tư dàn trải, không đầu tư manh mún, chia cắt).

(6) Góp phần nâng cao năng lực, quản lý, điều hành của các cán bộ, công chức viên chức có liên quan. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để quản lý hiện đại.

(7) Góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế ở các cửa khẩu lớn, các tỉnh biên giới.

(8) Đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin, với chiều dài 176km đã kết nối vùng động lực trong 3 cực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

(9) Cùng với tuyến đường cao tốc những công trình hạ tầng giao thông được đầu tư trên địa bàn tỉnh như: cảng biển, sân bay, đường ven biển đã phá bỏ thế độc đạo của Quảng Ninh.

Cao tốc được thiết kế đường 4 làn xe, tốc độ tối đa 120km/h, mặt đường thảm nhựa 4 lớp theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam.

Từ kết quả và ý nghĩa nêu trên ta rút ra những bài học sau:

1. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân.

2. Trung ương mạnh dạn phân cấp phân quyền cho địa phương. Đồng thời, phải thiết kế các công cụ giám sát kiểm tra, đôn đốc và thực hiện quản lý nhà nước một cách nghiêm túc, chống tham nhũng tiêu cực lãng phí trong triển khai các dự án.

3. Các địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc, chân trời, cửa biển của mình, dám nghĩ, dám làm không trông chờ ỷ lại, xóa bỏ cơ chế xin cho, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả.

4. Đẩy mạnh hợp tác công tư phát triển hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Trong đó, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành là một minh chứng quan trọng trong hợp tác công tư.

5. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản lý hiện đại cho địa phương liên quan đến hạ tầng.

6. Các nhà đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu luôn luôn tuân thủ pháp luật, vượt qua mọi khó khăn để chia sẻ với địa phương.

7. Tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân, ngược lại chính quyền chăm lo cho đời sống của nhân dân làm sao để người dân phải bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

8. Các tỉnh có liên quan, phối hơp cùng chung tay chúng sức để thực hiện các dự án hạ tầng

Công việc thời gian tới, tôi yêu cầu:

1. Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Công tác nghiệm thu công trình phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, trung thực để công trình thực sự là biểu tượng của lòng dân, sự tin tưởng của Đảng và sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh cũng như các bộ ngành.

2. Các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khẩn trương rà soát lại các quy định, cơ chế chính sách từ thực tiễn đặt ra như: giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước; sửa đổi các luật đầu tư công, luật ngân sách, luật đấu thầu tìm giải pháp tốt nhất để phù hợp với tình hình, triển khai hiệu quả, chống thất thoát ngân sách nhà nước.

3. Các địa phương tiếp tục phối hợp để triển khai các công trình hạ tầng kết nối. Đơn cử như tuyến đường Lào Cai – Móng Cái; Hà Nội – Lạng Sơn; cao tốc Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... Đây là kinh nghiệm quan trọng để kết nối và cùng thực hiện các dự án mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Tôi tuyên bố khánh thành đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thông tuyến từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn - Móng Cái góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta theo hướng phát triển xanh, tăng trưởng nhanh và bền vững./.

Từ khóa: Toàn văn phát biểu của Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Cao tốc đường 4 làn xe, mặt đường thảm nhựa 4 lớp, tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam.

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập