Thủ tướng mong muốn nông thôn Hà Nội là hình mẫu của cả nước
Cập nhật: 25/09/2019
Bí thư Thành ủy Hà Nội: QĐND Việt Nam trung thành, xung kích, tin cậy
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
VOV.VN - Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong việc áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh.
Sáng 21/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. |
Đánh giá cao thành tựu của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, Thủ tướng tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng hơn nữa, là hình mẫu cả nước trong mọi lĩnh vực. Trong đó, nông thôn Hà Nội phải phấn đấu trở thành hình mẫu, niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội tiếp tục bay cao và bay xa.
10 năm, một chặng đường không dài so với Thủ đô nghìn năm văn hiến, nhưng kết quả xây dựng nông thôn mới mà Thành phố đạt được đã làm thay đổi tích cực diện mạo và đời sống nhân dân nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng trong năm nay, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới với hai đơn vị cấp huyện nữa là Thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất. Với 325/386 xã đạt chuẩn, Hà Nội đã có 84% số xã đạt chuẩn, về đích sớm trước 2 năm so với mục tiêu.
Các phong trào cụ thể triển khai chương trình được nhân dân hưởng ứng tham gia, như phong trào “đường có hoa, nhà có số, phố có tên”, lan tỏa rộng khắp. Công tác dồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt. Thành phố cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đến nay có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Năm ngoái, giá trị sản xuất nông nghiệp/1 ha đã đạt 260 triệu đồng.
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới rất tích cực. Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2010-2019 đạt gần 76.500 tỷ đồng, trong đó nhân dân hưởng ứng đóng góp là gần 15.000 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mà thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Hà Nội hiện đạt 47 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố chỉ còn 1,8%.
Ông Phạm Đình Thiện, thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, một trong những gia đình tiêu biểu trong việc đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới cho biết, từ năm 2012 đến năm 2017, gia đình ông đã đóng góp kinh phí khoảng trên 1 tỷ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây xanh tại nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân, hiến 70m2 đất để tôn tạo công trình di tích trên địa bàn...:
“Để huy động nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đóng góp nhiều hơn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tôi đề nghị các cấp, ngành cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là cần kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp, vì đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn.
Là một công dân của Thủ đô nghìn năm văn hiến, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho khu vực nông thôn. Cá nhân chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tham gia và vận động mọi người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới”, ông Thiện nói.
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao thành tựu của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn Thủ đô.
Thành quả này giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Những kinh nghiệm của Hà Nội là bài học kinh nghiệm có thể nêu ra trong hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của cả nước vào tháng 10 tới.
Thủ tướng tham quan các gian hàng tại Hội chợhàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. |
Với một nửa dân số sống ở khu vực nông thôn, khoảng hơn 4 triệu người, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội cùng với Nghệ An, Thanh Hóa là các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới với quy mô lớn nhất cả nước. Thành tựu của Hà Nội đạt được rất đáng khích lệ vì yêu cầu xây dựng nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội cao hơn so với các địa phương khác.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Đảng bộ Hà Nội đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị này, cụ thể hóa bằng Chương trình 02 của Thành ủy, từ đó thống nhất nhận thức, nội dung, giải pháp trong cả hệ thống chính trị, xuyên suốt cả 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng Thành phố. Kết quả ấn tượng là nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các cấp chính quyền, nhân dân được rõ nét và biến thành hành động cụ thể. Hà Nội cũng đã tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của Hà Nội, như sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, phân tán về quy mô, giá trị sản xuất bình quân/1ha còn thấp. Nhiều nơi, môi trường sống chưa được bảo đảm, người dân còn kêu ca về nước thải, rác thải, thậm chí ô nhiễm không khí. An ninh trật tự một số nơi chưa tốt, để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng.
Từ thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo: Thành phố Hà Nội không chỉ phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị mà khu vực nông thôn cũng phải trở thành những hạt nhân phát triển tiên tiến, đi trước, đi đầu đối với cả nước.
Tiềm năng tuyệt vời của Hà Nội đã được nêu ra như trong câu: Xứ Đoài là đất trăm nghề/Đi buôn, làm thợ đề huề, tinh tươm. Đó không chỉ là vẻ đẹp tuyệt vời một thời mà còn là cội nguồn thúc đẩy kinh tế nông thôn của Hà Nội với nhiều làng nghề, cách làm. Nhất là đô thị lớn như Hà Nội.
Vậy Hà Nội cần làm gì để bảo tồn và phát triển các thôn, xứ ấy, một vùng nông thôn rộng lớn giàu tiềm năng của Thủ đô? Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề cũng như vô cùng trọng đại của các cấp chính quyền và nhân dân Hà Nội”.
Theo đó, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hà Nội xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, chế biến, dịch vụ, chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt tổ chức thương mại nội địa và xuất khẩu.
Trong xây dựng nông thôn thì cần chú trọng đến các yếu tố xanh, sạch, đẹp, đáng sống; một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh “đất trăm nghề”, gắn chặt với các lễ hội, nét văn hóa đặc sắc để cùng nông nghiệp sạch, hữu cơ, đặc trưng, tạo không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển của Thủ đô.
Cùng với đó là xác lập vai trò và vị thế của người nông dân, chủ thể nông thôn, giúp họ có kiến thức, phát huy tốt thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống để vừa giàu có về vật chất, vừa có đời sống tinh thần quý báu.
Với quá trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng đề nghị Hà Nội: “Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong việc áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ví dụ xuất xứ hàng hóa, thanh toán điện tử; phát triển mạnh mẽ các trung tâm đô thị vệ tinh. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị trong một quy hoạch thống nhất, không được phá vỡ như bài học kinh nghiệm Hà Nội đã làm.
Ví dụ các thành phố vệ tinh ở Sơn Tây, Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, thì công tác phát triển nông thôn mới như thế nào để có một quy hoạch phát triển dài hơi, bền vững, là câu hỏi tiếp tục đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị của Thủ đô”.
Một điều rất quan trọng Thủ tướng lưu ý Hà Nội, trong đó có khu vực nông thôn, đó là gìn giữ các nét văn hóa đặc sắc nghìn năm văn hiến của Thủ đô, các di sản, di tích quý giá trên địa bàn Thành phố như núi Tản Viên, thành Cổ Loa, chùa Hương, các làng nghề truyền thống...
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho các huyện Gia Lâm và Quốc Oai.
Trước đó, trước khi dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Từ khóa: nông thôn Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuẩn nông thôn mới, nông nghiệp, nông thôn
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN