Thủ tướng: Không run sợ lo lắng nhưng không được chủ quan với Covid-19

Cập nhật: 24/02/2020

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu kiên quyết chống dịch Covid-19 nhưng với tinh thần bình tĩnh, nỗ lực thực hiện, không lo lắng, run sợ nhưng không chủ quan.

Tiếp tục thông tin từ phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 24/2 về phòng, chống Covid-19, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần Việt Nam, niềm tin của nhân dân, niềm tin của quốc tế vào Việt Nam, quyết tâm hiệu thực hiện hiệu quả chống dịch và thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội. Đối với việc cho học sinh trở lại trường như khung chương trình học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, Thủ tướng cho biết sẽ có quyết định cuối cùng tại kỳ họp sắp tới dựa trên diễn biến tình hình dịch bệnh.

Một phần thưởng lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu thông tin đáng mừng là việc phòng chống Covid-19 thời gian qua đạt kết quả tốt, 15/16 ca dương tính đã được điều trị khỏi, ca thứ 16 đã khỏi bệnh và đang theo dõi trước khi cho xuất viện.

Kết quả này cho thấy, tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thực hiện tốt, đặc biệt là biện pháp cách ly các ca nhiễm và ghi nhiễm. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã hoạt động liên tục và 4 ngày một lần, Thường trực Chính phủ họp nghe Ban Chỉ đạo báo cáo, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể và trách nhiệm hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tính mạng nhân dân.

thu tuong nguyen xuan phuc yeu cau khong run so, khong qua lo lang nhung khong duoc chu quan voi covid-19 hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không run sợ, không quá lo lắng nhưng không được chủ quan với Covid-19.

Trước tình hình dịch phức tạp tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được để tình trạng dịch lây lan sang Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đó là một yêu cầu và là điều đương nhiên chúng ta phải làm cho được. "Đây là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ và hệ thống chính trị nước ta trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể, đặc biệt trong tình hình mới bùng nổ ở một số nước để công cuộc phòng chống Covid-19 đạt kết quả tốt nhất như thế giới đã đánh giá Việt Nam thời gian qua", Thủ tướng yêu cầu.

Trước bối cảnh Covid-19 hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là thử thách không chỉ đối với ngành y mà còn với cả các cấp ngành trong quản lý kinh tế hiệu lực, hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao toàn xã hội đã phản ứng nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ, xử lý các bất cập kịp thời và quyết đoán; nhân đân đoàn kết, tin tưởng Chính phủ, chia sẻ khó khăn; không có tình trạng trên nóng, dưới lạnh, hành chính quan liêu, một tinh thần nhiệt tình trách nhiệm.

Thủ tướng cho rằng, nỗ lực phòng chống dịch, thái độ của Việt Nam bước đầu được thế giới ghi nhận. Phần thưởng rất lớn đối với Chính phủ và hệ thống chính trị là niềm tin của nhân dân, làm nên một tinh thần Việt Nam.

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số tồn tại như khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa kịp thời; còn số ít ngành, địa phương có sự chủ quan. Hành động tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó cần bổ sung tốt hơn.

"Tinh thần lớn là tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục khống chế dịch Covid-19 tại Việt Nam một cách căn bản. Đặc biệt không được chủ quan đối với dịch Covid-19, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ở các cấp, ngành, các địa phương trong cả nước. Chúng ta cần sớm phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho người bệnh, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh, cách ly là biện pháp rất quan trọng, Thủ tướng yêu cầu tất cả các trường hợp từ vùng dịch vào Việt Nam phải cách ly 14 ngày theo quy định; theo dõi và có biện pháp kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh; tránh tình trạng tập trung đông người để tránh lây lan.

Theo đó, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp đồng bộ, đó là phát hiện sớm, đề phòng chủ động. Đây là yêu cầu đầu tiên Ban chỉ đạo phòng chống dịch nêu ra. Thứ hai là cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng có dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày. Đặc biệt là khoanh vùng, dập dịch như ở Vĩnh Phúc đã chỉ đạo vừa qua. Xử lý kịp thời hơn nữa để không để lây chéo xảy ra. Ngành y tế cả nước kịp thời chữa trị tốt cho người dương tính, hạn chế tối đa người tử vong nếu có. Các giải pháp đã đưa ra cần được triển khai quyết liệt hơn, đồng bộ hơn ở mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt các cửa khẩu, đường bộ, đường biển, hàng không...

Sau cuộc họp này, Thủ tướng cho biết sẽ ban hành thêm một chỉ thị nữa về phòng, chống dịch Covid-19.

Phát huy một tinh thần Việt Nam

Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết chống dịch nhưng phải bình tĩnh, nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu kép là vừa chống dịch thành công, vừa đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội. Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị đẩy về mạnh sản xuất kinh doanh để giữ ổn định các mặt đời sống xã hội, nhất là chuẩn bị các điều kiện để khi dịch được kiểm soát thì kịp thời thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ.

Trong đó phải khởi động du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn đối với các ngành văn hóa du lịch cũng như các địa phương, hiệp hội; tiếp tục tìm thị trường mới nhất là những nước ít bị dịch bệnh. Các cấp, ngành, các doanh nghiệp khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc để lại do dịch; Đẩy mạnh nội nhu nền kinh tế như phát triển đô thị, giải quyết việc làm; sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ở một số ngành không bị ảnh hưởng của Covid-19 như xuất khẩu gỗ, rau củ quả, hàng điện tử...

Bên cạnh đó, tiếp tục giữ ổn định vĩ mô và các loại thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá thịt lợn đều đang giảm. Cho rằng người dân vừa qua đã tự tin, tiếp tục phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu phát huy một tinh thần Việt Nam, niềm tin của nhân dân, niềm tin của quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần phải phát huy tinh thần này thường xuyên và tích cực hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội mà Đảng, Quốc hội đã giaom không run sợ, không quá lo lắng nhưng không được chủ quan.

"Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm có doanh nghiệp FDI cần có tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Nhân dân từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm với kỷ cương đoàn kết, sáng tạo cùng sự quyết liệt của cán bộ công chức từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh Covid-19 đang ảnh hưởng nhiều nước trên thế giới. Nhân đây, Thường trực Chính phủ cảm ơn nhân dân cùng đội ngũ cán bộ y tế, công nhân viên, lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành có liên quan trong việc đóng góp phòng chống dịch Covid 19 thời gian qua. Chính vì thế chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn, làm tốt hơn, để công cuộc chống dịch Covid-19 này cũng như các hoạt động bình thường của nhân dân trong bối cảnh nào cũng giữ được mọi việc bình an, tốt đẹp", Thủ tướng chỉ rõ.

Về vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm đó là việc học sinh trở lại đi học vào đầu tháng 3, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, đã ban hành văn bản điều chỉnh khung năm học 2019-2020 và đưa ra ba mức. Các địa phương căn cứ vào tình hình của địa phương mình, từ 2/3/2020 học sinh toàn quốc sẽ quay trở lại đi học, kết thúc năm học vào 30/6/2020. Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ từ 23-26/7, lùi 1 tháng so với các mốc bình thường./.

Từ khóa: covid-19, chỉ đạo của thủ tướng, phòng chống dịch, tinh thần chống dịch, mục tiêu kép

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập