Thủ tướng: Hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn
Cập nhật: 22/10/2019
Bí thư Thành ủy Hà Nội: QĐND Việt Nam trung thành, xung kích, tin cậy
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
VOV.VN - Thủ tướng cho biết, hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn, sân trước, sân sau, vườn sau là có.
Sáng 16/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty.
Toàn cảnh hội nghị. |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707 năm 2017 thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN. Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9 vừa rồi, mới có 148 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, tương đương 29% số doanh nghiệp cần phải có phương án cơ cấu lại.
Tại hội nghị, nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết, vướng mắc trong thực hiện các quy định về đất đai là nguyên nhân chính, trong khi triển khai theo công văn số 4544 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp. Điều này khiến một số tập đoàn, tổng công ty lớn có kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay như Agribank, VNPT, Vinafood 1 đều bị đình trệ.
Thực tế này giống trường hợp của Vinafood 1 khiến doanh nghiệp này khó hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ vào năm 2020.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Vinafood 1 cho biết, theo Nghị định 126 và Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổng công ty chỉ có trách nhiệm phải rà soát đất đai của công ty mẹ và hai công ty 100% vốn do công ty mẹ nắm giữ. Tuy nhiên, theo văn bản 4544 của Bộ Tài chính thì yêu cầu toàn bộ những doanh nghiệp mà Tổng công ty giữ 51% vốn trở nên thì phải rà soát.
Với Vinafood 1 có đặc thù các khu lương thực trải dài từ các tỉnh, thành phố về đến huyện, xã, đất đai tranh chấp nhiều. Cùng một mảnh đất có cán bộ công nhân viên ở nên không một sớm một chiều di dời được.
Trong việc cổ phần hóa công ty mẹ, với 300 miếng đất như thế này, nếu một miếng đất bị tắc thì tất cả công việc cổ phần hóa của công ty mẹ cũng phải dừng lại. Tổng công ty tuần nào cũng họp, rà soát đất đai, làm việc với các địa phương, nhưng việc này không thể một sớm, một chiều, nên tiến độ rất khó hoàn thành vào năm 2020.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thì đề cập đến việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm hướng dẫn thực hiện các quy định về đất đai trong các Nghị định.
"Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải thực hiện đúng pháp luật, có 7-8 Luật rồi Nghị định, Thông tư, đặc biệt là có các Nghị định 167, 126, 32 của Chính phủ. Nhưng nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thì chỉ có phần nông, lâm nghiệp. Hà Nội có những mấy nghìn m2 thậm chí ở trong nội đô thì đó có phải nông, lâm trường đâu. Cho nên dứt khoát, các đồng chí phải ra Thông tư, không thì làm sao chúng tôi làm được" - ông Nguyễn Văn Sửu nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ cơ sở pháp lý của văn bản số 4544 của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý, theo yêu cầu của Thủ tướng cổ phần hoá và thoái vốn phải theo tinh thần công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật và cơ bản đã thực hiện theo chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này" - Phó Thủ tướng cho biết.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng, bao trùm là nâng cao hiệu quả của DNNN để làm đúng chức năng, vai trò của khối doanh nghiệp này. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách doanh nghiệp Nhà nước là thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật. Kinh tế Nhà nước cùng kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế Nhà nước bao gồm tài sản Nhà nước, ngân sách Nhà nước, đất đai, hầm mỏ và DNNN có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chính vì thế, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương cơ cấu lại DNNN từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12 năm 2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN.
Quốc hội, Chính phủ liên tục có những Nghị quyết, chính sách quan trọng để cụ thể hóa chủ trương này, qua đó, đã cơ bản khắc phục được sự trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả trong DNNN. DNNN hiện nay có tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu tăng, nộp ngân sách nhà nước cao hơn, chống tham nhũng tốt hơn. DNNN thể hiện vai trò quan trọng đối với một số lĩnh vực, góp phần cho chỉ đạo vĩ mô tốt hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động tiêu cực tác động đến Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu nhiều tồn tại của DNNN, trong đó hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, tốc độ cổ phần hóa chậm; phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị văn hóa lịch sử gặp nhiều khó khăn và còn chậm, thiếu quyết tâm giải quyết. Tốc độ tăng doanh thu dù tăng, nhưng thu hút vốn đầu tư phát triển mới của DNNN thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước. Tồn tại về tái cơ cấu, thoái vốn là vấn đề lớn được nêu ra tại hội nghị này...
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, thu hút người tài còn bấp cập. Một số bộ còn chậm hướng dẫn việc thực hiện các quy định, trong đó lĩnh vực đất đai.
Nêu thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu quyết liệt của một số tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo đơn vị “thủ” thay vì “tiến” dẫn đến sự chậm trễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: "Vẫn còn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới, vì lợi ích cá nhân, đặc quyền đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Thậm chí có trường hợp tham nhũng, che dấu sai phạm, dẫn đến cố tình làm chậm và không muốn thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước còn, sân trước, sân sau, vườn sau là có. Chúng ta phải khắc phục tình trạng này để DNNN cùng hệ thống chính trị đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng ta, Nhà nước ta đang chỉ đạo quyết liệt".
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự lớn mạnh của DNNN, các tập đoàn là kỳ vọng của Đảng, Nhà nước ta, không chỉ để giải quyết các thách thức kinh tế xã hội mà còn là “ngọn cờ” bảo vệ kinh tế đang đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước.
Trong đó, trước hết cần phải khẩn trương nâng cao năng lực quản trị cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Quản trị DNNN phải được đặt ra thông qua áp dụng tiêu chuẩn quản trị hiện đại của quốc tế.
Cùng với đó là đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cụ thể là Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong hội nhập và vươn ra cạnh tranh quốc tế, trong đó vai trò của các tập đoàn, tổng công ty là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, “bàn đạp” kết nối với các giá trị toàn cầu.
Thủ tướng ủng hộ quan điểm tin tưởng trao quyền cho các tập đoàn, tổng công ty chủ động điều hành, nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện để trao quyền chủ động lớn hơn gắn với trách nhiệm rõ ràng cho các tập đoàn, tổng công ty.
Trước vấn đề các DNNN, bộ, ngành nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để xứt lý các vấn đề này.
"Tôi không đề cập tất cả các loại hình thể chế mà các đồng chí phải làm tốt hơn, làm sao tạo môi trường, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước, DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua. Kể cả công tác cán bộ và đầu tư các dự án. Chúng ta nắm lượng vốn lớn như thế này, yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời xử lý thông tin là rất quan trọng. Các cơ quan quản lý Nhà nước tạo sân chơi thuận lợi cho DNNN và thành phần kinh tế khác bình đẳng, nhanh chóng, thuận lợi. Đừng để tạo ra tầng nấc hành chính khó khăn cho doanh nghiệp" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Tài chính dự thảo một Nghị định của Chính phủ lấy ý kiến các bộ, thành viên Chính phủ để có thêm cơ sở triển các nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp DNNN./.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, kinh tế, doanh nghiệp nhà nước
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN