Thủ tướng dự lễ ký kết triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B của Petrovietnam
Cập nhật: 30/10/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Sáng nay 30/10 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm này.
Cùng dự có Bộ trưởng, Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch UBQLVNN tại Doanh Nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Đại sứ Thái lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc PETROVIETNAM Lê Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức của Nhật bản, JICA, JBIC; đại diện các Đối tác PVEP, PVGas, và PTTEP trong Dự án Khí Lô B.
Chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, là chuỗi Dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 04 Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Thành phố Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt là 3.800MW, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các Nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ (Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ), tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí nói chung và lao động địa phương nói riêng.
Cùng với đó, việc triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B sẽ là một bước tiến quan trọng của Petrovietnam trong việc góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải Carbon để ứng phó biến đổi khí hậu, Quy hoạch điện VIII được xây dựng hướng tới một hệ thống năng lượng xanh hơn, sạch hơn, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan trong các thủ tục đầu tư các dự án nhà máy điện hạ nguồn cũng như còn tồn tại, vướng mắc trong cơ chế chính sách về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại dẫn đến việc nhiều mốc tiến độ quan trọng của chuỗi bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự quyết tâm của Petrovietnam và toàn bộ các Bên trong Chuỗi dự án, nhiều vấn đề vướng mắc đã từng bước được giải quyết với phương châm: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Tháng 6/2023, nhận thấy những khó khăn tại dự án Nhà máy điện Ô Môn III&IV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này. Việc này đã đánh dấu mốc quan trọng khi Petrovietnam tham gia đầu tư vào toàn Chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn.
Tại buổi lễ, Petrovietnam và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phấn trong thời gian tới.
LNG (Khí hoá lỏng) là sản phẩm năng lượng sạch và chính phủ Việt Nam đang nỗ lực từng bước nhập khẩu và chuyển đổi sang sử dụng LNG như đã cam kết trong các COP 26, 27. LNG là sản phẩm đặc thù, rất mới với năng lượng Việt Nam. Do vậy, để vận hành cung ứng LNG một cách an toàn và hiệu quả, PV Gas cần sự hợp tác của các đối tác nước ngoài có bề dày kinh nghiệm đặc biệt các đối tác đến từ Nhật Bản.
Dòng khí LNG từ kho LNG PV Gas Thị Vải sẽ được vận chuyển bằng đường ống và bằng LNG ISO Container, LNG ISO container đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đa phương thức như kết hợp đường biển với đường sắt với đường bộ, đi khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Mang sứ mệnh góp phần bảo đảm “năng lượng cho phát triển”, cùng những kinh nghiệm dày dặn tích lũy được khi triển khai thành công các chuỗi dự án khí - điện trọng điểm: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai, Cà Mau, Thái Bình… toàn chuỗi dự án khí điện Lô B khi đi vào triển khai đồng bộ sẽ đáp ứng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, cũng như mang lại lợi ích cho các Bên tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là sự kiện quan trọng, ý nghĩa của ngành Dầu khí được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và người dân nơi có dự án đi qua.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng tất cả các Bên đối tác tham gia đầu tư trong Buổi lễ ký kết và triển khai Chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Đối tác đầu tư, sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các Bộ, ngành địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc thúc đẩy, tổ chức thực hiện Chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn có được kết quả ngày hôm nay.
Thủ tướng khẳng định, trong chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng tổng thể quốc gia, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, nhất là phát triển công nghiệp khí. Trong đó, khuyến khích việc đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, nhất là vùng nước sâu, xa bờ; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa Việt Nam về cho sản xuất điện và công nghiệp, dân dụng.
Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và khuyến khích các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các các nhà đầu tư, các tập đoàn/công ty trong lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các bên.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các nhà đầu tư trong chuỗi cùng các địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau, đẩy mạnh liên kết vùng để thúc đẩy khu vực kinh tế Tây Nam Bộ phát triển. Chuỗi dự án còn chặng đường dài và khó khăn trước mắt, với khối lượng công việc còn rất lớn như các đồng chí và các chủ đầu tư, nhà thầu đã báo cáo. Thủ tướng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các khó khăn vướng mắc tồn tại để hỗ trợ chuỗi dự án nói chung và Tập đoàn Ddầu khí, Tập đoàn Điện lực cùng các nhà đầu tư trong chuỗi nói riêng.
Đối với các bên đối tác Nhật Bản, Thái Lan và các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp với Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn tiếp sau đây.
Thủ tướng hy vọng và tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm, không ngại gian khó của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cùng sự tin tưởng và hợp tác lâu dài với các bên đối tác, Chuỗi dự án sẽ được triển khai theo kế hoạch và đạt được những thành công như kỳ vọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, cùng chung sức tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ khóa: thủ tướng, dự án khí điện lô b, petrovietnam, tập đoàn dầu khí việt nam,dự án khí – điện Lô B của Petrovietnam
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN