Thủ tướng dự Lễ khởi công xây dựng dự án Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu
Cập nhật: 29/09/2024
TP.HCM kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
Ban Kinh tế Trung ương đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn bộ máy trong năm 2025
VOV.VN - Sáng nay 29/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công xây dựng dự án Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình). Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của hệ thống giao thông liên vùng đối với tỉnh Hòa Bình nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Cùng dự có Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh, Bí thư tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường, cùng lãnh đạo các bộ ban ngành, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, cùng đông đảo quần chúng nhân dân 2 tỉnh.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình), với chiều dài khoảng 34km; tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10 nghìn tỷ đồng do tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới Đảng bộ, chính quyền, và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và các địa phương có dự án đi qua, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Trong khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành được mục tiêu này thì đến 2025 chúng ta cần đạt được 3.000 km và 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000 km đường bộ cao tốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả thiết thực như dự án cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài; mở rộng cảng hàng không Cát Bi, Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Nội Bài; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành: Đã giải quyết cơ bản tất cả các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025; Hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) trong thời gian 6 tháng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức.
Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng thêm 858km, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.700km, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3000km đường cao tốc. Đồng thời, đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công thêm khoảng 1.400km đường bộ cao tốc. Khi làm các dự án này đã giúp chúng ta có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có thêm tự tin, động lực trong triển khai các dự án lớn.
Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Trung ương đã nhất trí 100% đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao với kinh phí trên 60 tỷ USD, kết nối Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng kết nối với Côn Minh, Trung Quốc.
Đối với vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình Thủ tướng đánh giá, hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03) có ý nghĩa chiến lược quan trọng, thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc, giữa Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; tạo động lực mới để thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với vùng Tây Bắc, mở ra không gian phát triển mới, đưa Tây Bắc bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Thủ tướng đề nghị, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.
Thủ tướng chỉ rõ, việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 06 ý nghĩa lớn: "Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; Thực hiện chủ trương phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Hòa Bình, tạo liên kết vùng, giảm giá thành vận tải, tạo điều kiện giao thông của người dân Tây Bắc với các tỉnh lân cận; Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh về cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc gia toàn cầu, tạo công ăn việc làm sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân; Góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh; Đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân và đền ơn đáp nghĩa cho những người đã hi sinh cho vùng Tây Bắc."
Thủ tướng đánh giá, dự án này đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, rút ngắn được thủ tục đầu tư 1 năm, tiến tới Thủ tướng đề nghị 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La nỗ lực cao hơn, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án và tiếp tục rút ngắng thời gian thi công; Phân cấp đầu tư cho địa phương làm cơ quan chủ quản; Nguồn vốn đầu tư ưu tiên, cân đối các nguồn lực của Trung ương để triển khai Dự án.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực cố gắng của tỉnh Hòa Bình, Bộ GTVT, Bộ KHĐT và bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng chỉ rõ, Dự án khởi công là thể hiện sự cố gắng rất lớn của Tỉnh và các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Dự án có nhiều hạng mục công trình đi qua địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết khí hậu dễ xảy ra mưa, lũ, xạt lở…
Để dự án sớm hoàn thành và phát huy vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ cho tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng đề nghị, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc từ thanh niên, phụ nữ, các đoàn thể cùng phải vào cuộc để giải phóng mặt bằng, thi công, với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”, không để các doanh nghiệp thi công "cô đơn trên công trường".
Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo, đếm được.
Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phong trào thi đua sôi nổi trên công trường, ai làm tốt phải khen ngay, ai làm sai phải phê bình xử lý. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc; tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia thi công các công trình, dự án. Thủ tướng lưu ý, khi người dân di dời phải quan tâm đến người dân, khuyến khích tái định cư tại chỗ.
Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương; huy động mọi lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình rút ngắn thời gian thi công và phải xong trước tháng 31/12/2027, đảm bảo tiến độ an toàn, chất lượng, kỹ mỹ thuật; Song song với đó xây dựng dự án giai đoạn 2 ở rộng thành 4 làn xe.
Thủ tướng để nghị, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng, không kéo dài, phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Phải cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” "chỉ bàn làm không bàn lùi" để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra trên tinh thần“Đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân”. Cùng với địa phương hoàn thành dự án trong 31/12/2027. Chống tiêu cực tham nhũng, tiêu cực trong triển khai dự án.
Các Bộ, Ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục và bố trí nguồn vốn để triển khai đoạn từ Km0-Km19 và hoàn thiện toàn tuyến theo Quy hoạch tuyến Cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu - Sơn La.
Thủ tướng mong bà con nhân dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước hơn nữa, nhường cơm sẻ áo, góp công góp của để triển khai dự án.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Tượng đài Căn cứ Cách mạng Giăng Xèo, tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Tượng đài là nơi diễn ra lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh, trở thành nơi đào tạo cán bộ và cũng từ đây đồng bào Tày, Dao, Mường, Kinh của huyện vùng cao Đà Bắc đã được giác ngộ để một lòng đi theo cách mạng, đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Từ khóa: Mộc Châu, Thủ tướng, Phạm Minh Chính, cao tốc, Tây Bắc,khởi công
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN