Thủ tướng dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận
Cập nhật: 28/04/2024
VOV.VN - Sáng nay (28/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn phát triển Ninh Thuận.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 03 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có mật độ dân số khá thấp với diện tích 3.358 km2, dân số gần 600 nghìn người.
Có tiềm năng phát triển du lịch; nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương.
Lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; bờ biển dài 105 km; là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như nho, táo, hành, tỏi, dê, cừu…; Tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo; có tốc độ gió lớn nhất nước; số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất nước với cường độ lớn.
Có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và tiểu thủ công nghiệp. Có 02 khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và nhiều cụm công nghiệp.
Tỉnh có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời; là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với nền văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc. Người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện; luôn có quyết tâm, khát vọng vươn lên.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Quy mô GRDP năm 2023 đạt trên 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 lần so năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận vẫn còn những khó khăn, hạn chế, thách thức như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; thiếu nước xảy ra thường xuyên; xuất phát điểm khá thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; Sản xuất công nghiệp chưa tạo được đột phá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, liên thông; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh hạn chế; doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khóa: Thủ tướng, Ninh Thuận,hội nghị,quy hoạch,xúc tiến đầu tư,Phạm Minh Chính,doanh nghiệp
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN