Thủ tướng: Đây là thời gian nước rút, cần tập trung để về đích thắng lợi

Cập nhật: 29/10/2022

VOV.VN - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra vào sáng nay, 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang trong thời gian “nước rút” để “về đích” cần tập trung khắc phục, nhiều khó khăn, thách thức để vượt qua.

Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đánh giá cụ thể, rõ ràng, chính xác tình hình thực tiễn, nhất là những vấn đề mới phát sinh, chủ động đề ra các giải pháp khoa học, linh hoạt, hiệu quả, kết thúc năm 2022 thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra. 

Sáng nay (29/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. 

Trước khi bắt đầu phiên họp, Chính phủ chúc mừng ông Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương. 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao quá trình công tác, những đóng góp của ông Nguyễn Văn Thể trên cương vị Bí thư ban cán sự đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, thành viên Chính phủ vào thành tựu chung của Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ vừa qua; nêu rõ, với năng lực chuyên môn sâu, tâm huyết, chủ động, trách nhiệm, tận tuỵ với công việc, ông Nguyễn Văn Thể đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc ông Nguyễn Văn Thể được Bộ Chính trị tin tương giao đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương là trọng trách nặng nề trong giai đoạn hiện nay; Thủ tướng mong rằng, với sự hiểu biết, kinh nghiệm nhiều năm vừa qua, ông Thể sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để ông Nguyễn Văn Thể tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; mong ông Thể tiếp tục kinh nghiệm của mình giúp đỡ Bộ Giao thông vận tải, phối hợp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình. 

Về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cách đây 1 năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; khi đó, chúng ta vừa phải phòng, chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, nhìn lại 10 tháng qua, tình hình đã khác, có nhiều biến động so lúc xây dựng kế hoạch năm 2022 mà chưa lường hết được. Chính phủ họp phiên thường kỳ này đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 nhằm rút ra kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã đề ra theo tinh thần lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị đối với tình hình kinh tế-xã hội đất nước, kết thúc năm 2022 thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022, tình hình KT-XH khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm; Kim ngạch XNK đạt trên 616 tỷ USD, tăng 14,1%; An ninh lương thực được bảo đảm; Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KT-XH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ ngành, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có được những kết quả đạt được trong thời gian qua là do sự lãnh đạo sáng suốt của BCHTW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, theo đó Thủ tướng yêu cầu, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của địa phương; xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết, để cụ thể hóa các chính sách vào chương trình, nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành và các địa phương.

Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hốt hoảng, hoang mang, lo lắng. Phải giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành. Đối với những vấn đề khó giải quyết không đổi tại Luật, quy định mà phải tìm cách khắc phục phù hợp, chủ động đề xuất và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Kế thừa, phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm quý, bài học hay; khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, càng áp lực thì càng nỗ lực, vươn lên. Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, chủ động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.

Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Sửa đổi, bổ sung hoặc chuyển đổi chính sách một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời; kỷ luật nghiêm minh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang trong thời gian “nước rút” để “về đích”. Những kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm là rất cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biến động nhanh, phức tạp, khó lường; tuy nhiên, nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua, đòi hỏi tất cả chúng ta, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đánh giá cụ thể, rõ ràng, chính xác tình hình thực tiễn, nhất là những vấn đề mới phát sinh, chủ động đề ra các giải pháp khoa học, linh hoạt, hiệu quả để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc; phải tập trung cao độ, quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, triển khai công việc phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng yêu cầu, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức tốt các hội nghị quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng. Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai 03 CTMTQG và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Tiếp tục rà soát các dự án, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm, Tết. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu. Quản lý, điều hành giá xăng dầu phù hợp, bảo đảm nguồn cung xăng dầu; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, phấn đấu bảo đảm thặng dư thương mại bền vững. Tiếp tục xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài, xử lý các ngân hàng yếu kém. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn, cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của người dân. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về TPDN; rà soát, hoàn thiện, thường xuyên cập nhật phương án điều hành thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, sâu rộng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Chủ động các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; tăng cường phòng, chống cháy, nổ.

Giao Bộ KHCN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tăng năng suất lao động. Nắm chắc tình hình, có đối sách phù hợp, hiệu quả bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, không để bị động bất ngờ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chuẩn bị chu đáo các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tập trung vào triển khai chủ trương,  đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành tựu về phát triển KTXH. Nâng cao hiệu quả quản lý báo chí; chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm./.

Từ khóa: Thủ tướng Phạm Minh Chính, phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 10/2022

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập