Thủ tướng: Đây là thời điểm lịch sử với 8 tỉnh vùng KTTĐ phía Nam
Cập nhật: 30/05/2020
Dự báo quốc phòng, an ninh Australia và thế giới trong năm 2025
Giao tranh UAV Nga – Ukraine bước sang giai đoạn mới gay cấn hơn
VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp khai thác, phát huy tốt hơn nữa động lực tăng trưởng mới để, bù đắp tác động tiêu cực do Covid-19.
Sáng 30/5, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước) về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cùng các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngay trước buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát việc triển khai các dự án nằm trong quy hoạch hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cụ thể là các dự án tại Cảng Cái Mép và Cảng Thị Vải. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai các dự án khẩn trương, đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistic.
Tiếp đó tại khu công nghiệp Hyosung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo về tiến độ triển khai các dự án của Công ty hóa chất Hyosung Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó có kho ngầm lưu trữ khí hóa lỏng dưới núi đá có độ sâu 200m đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngay sau khi thị sát tiến độ các dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thủ tướng đánh giá cao việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần hoàn thiện hệ thống dịch vụ logistic của cả vùng, gồm hệ thống cảng biển, giao thông…
Đánh giá chúng ta đang có những thắng lợi quan trọng trong phòng, chống Covid-19, Thủ tướng cho biết, đó là do Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, nhất là quyết sách “chống dịch như chống giặc” được nhân dân ủng hộ, chung tay thực hiện. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở cả thế giới và khu vực.
Từ bối cảnh thành công bước đầu đó của đất nước, Thủ tướng đặt vấn đề, cần đưa ra những quyết sách nào để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đây cũng chính là câu hỏi đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhất là khi 8 tỉnh của vùng có vai trò quan trọng đối với đất nước, chiếm 42% GDP và 43% ngân sách cả nước. Thủ tướng mong muốn được nghe những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, các nhà đầu tư tại hội nghị này.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tìm ra một định hướng phát triển, các biện pháp phải sát thực tiễn, có cơ sở khoa học thì mới thành công. Việt Nam có một nền tảng quan trọng đó là ổn định xã hội và giữ được kinh tế vĩ mô. Đồng Việt Nam giá trị đến lúc này không thay đổi nhiều so với nhiều đồng tiền khác. Với nhà đầu tư, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn là rất quan trọng. Các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam không suy giảm mà được tăng cường. Ở thế giới không ổn định kinh tế và vĩ mô thì các nhà đầu tư không làm ăn. Trong khi thế giới đổ gãy thì chúng ta thực hiện hai mục tiêu kép là kiên quyết bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt nhất nhiệm vụ kinh tế xã hội, không đổ gãy. Kinh tế xã hội quý 1 vẫn tăng trưởng gần 4% và kinh tế tháng 5 cũng rất tốt.
Thủ tướng vui mừng cho biết, nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp đều cho biết quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội. Đây là những nền tảng rất quan trọng để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến an sinh xã hội, xử lý bức xúc của người dân, giữ gìn đời sống của lao động thông qua gói an sinh xã hội lớn. Trong khi đó, năm nay, sản xuất nông nghiệp được mùa, nhất là sản xuất lúa, có thể đưa Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu gạo của thế giới trong năm nay.
Thủ tướng cũng nhắc đến đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới nhận định về Việt Nam, đó là Việt Nam đang ở ngã ba đường. Khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu, để đạt mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao 2045, Ngân hàng Thế giới gợi ý, mô hình phát triển cần dựa vào năng suất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên, tập trung tính năng động cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dạy nghề, quản lý hiệu quả...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết,thế giới đang sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng âm, Việt Nam phải phấn đấu cao hơn nữa. 8 tỉnh khu vực năng động, nhiều tiềm năng ở phía Nam phấn đầu vượt mức hoặc bằng mức kế hoạch nhà nước đã giao. Đây có phải là thời điểm lịch sử mà 8 tỉnh phấn đấu quyết liệt không? Thủ tướngđề nghị thêm biện pháp, giải pháp thực hiện như giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói hỗ trợ Chính phủ đã ban hành, đặc biệt những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tháo gỡ rào cản đối với người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh tế - xã hội thông suốt, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trọng điểm phía Nam tập trung phát triển không chỉ hạ tầng mà đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thông minh, nhất là trong bối cảnh dự báo sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam thời gian tới, cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón đầu. Do đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp khai thác, phát huy tốt hơn nữa động lực tăng trưởng mới để thay thế, bù đắp tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương nêu các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, kể cả là những tập đoàn lớn, công ty có tên tuổi, kể cả hộ kinh tế cá thế, kinh tế nhỏ; Phát triển kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu với thời cơ mới từ các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; Cùng với đó là đề xuất thể chế để nâng cao tính kết nối giữa các tỉnh trong vùng./.
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Covid-19, kinh tế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN