Thủ tướng: "Đảng, Nhà nước không khuyến khích dân di cư tự do"

Cập nhật: 25/09/2019

Thủ tướng nhấn mạnh, phải có giải pháp giữ dân tại chỗ bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống người dân.

Sáng 9/12, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây nguyên.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

thu tuong neu giai phap co ban de khong con tinh trang dan di cu tu do hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại hội nghị.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005-2017, trong tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn cả nước khoảng 67.000 hộ thì các tỉnh Tây nguyên chiếm tới gần 59.000 hộ. Tính đến hết năm ngoái, số hộ dân di cư tự do cả nước được sắp xếp chỗ ở ổn định chỉ chiếm khoảng 2/3, số còn lại chưa có chỗ ở ổn định và cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tây nguyên.

Việc bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do đang gặp một số khó khăn như các địa phương xây dựng quy hoạch bố trí dân cư chưa phù hợp dẫn đến mới chỉ có 11/65 dự án được hoàn thành, 15 dự án chưa được triển khai, khiến 24.500 hộ dân đang sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương. Nhiều hộ đã có chỗ ở ổn định thì lại thiếu đất sản xuất.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, một trong những bất cập hiện nay trong ổn định dân di cư tự do, đó là nếu các hộ dân chưa được cấp đất ở, đất sản xuất thì chưa được nhập hộ khẩu. Nhưng nghịch lý ở chỗ là ở không ít nơi, nếu hộ dân chưa được nhập hộ khẩu thì với quy định hiện nay, các hộ dân chưa được cấp đất, dẫn đến khó khăn trong công tác ổn định dân di cư.

Từ thực tế tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh nêu khó khăn trong việc thiếu vốn triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do, đồng thời đề nghị các địa phương có người dân di cư có sự phối hợp với Đắk Lắk.

"Đề nghị các tỉnh có dân di cư tự do đến Tây nguyên và các tỉnh khác phải có biện pháp quyết liệt tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do. Những vùng đồng bào còn quá khó khăn, nếu dân có nguyện vọng di cư thì tỉnh phải xây dựng kế hoạch báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để có kế hoạch di dân theo kế hoạch hàng năm của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác có dân đến thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về sắp xếp bố trí dân cư" - ông Phạm Ngọc Nghị cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn nêu thực tế ở địa phương, theo quy định thì số hộ dân di cư đến địa phương sau ngày 30/4/2011 sẽ phải trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Điện Biên và Sơn La đã từng phối hợp đưa người dân về nơi ở cũ nhưng không hiệu quả, người dân không hợp tác hoặc có trở về rồi lại đi đến nơi ở mới.

Với những hộ dân di cư sau ngày 30/4/2011 trở lại đây, ông Trần Văn Sơn đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương, trong đó có Điện Biên, nhập hộ khẩu cho người dân. Hiện nay con cháu của các hộ dân đã đều được đến trường và hưởng các chế độ như dân sở tại, nhưng cần cho phép nhập hộ khẩu. Đồng thời với đó là cấp đất sản xuất và đất ở .

Còn về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây nguyên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 122 công ty nông, lâm trường đã được rà soát, trong đó giữ lại 108 công ty, còn lại giải thể và bàn giao về địa phương 14 công ty. Song thực tế là các công ty nông, lâm trường sau khi rà soát vẫn còn giữ lại quỹ đất quá lớn với trên 935.000 ha đất, chủ yếu là đất lâm nghiệp, vượt quá tầm quản lý và sử dụng nguồn lực.

Trong khi đó, hiện Nhà nước mới chỉ thu tiền sử dụng đất đối với 24% diện tích đất nông, lâm trường, còn lại là giao không thu tiền sử dụng đất nên chưa gắn trách nhiệm đối với các đối tượng được giao quản lý, sử dụng đất. Nhiều đơn vị tự ý cho thuê, cho mượn hoặc khoán trắng cho người dân để thu địa tô.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu như năm 1975 ở Tây Nguyên chỉ có 1 triệu người thì năm 2017 là 5,5 triệu người, trong đó dân di cư tự do khoảng 3 triệu người. Dù mức độ gay gắt của tình trạng này đã giảm nhiều, nhưng vấn đề quan trọng là đảm bảo người dân có đất ở và sản xuất, ổn định đời sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, để không rảy ra các hệ lụy phức tạp.

Phần lớn dân di cư tự do là người dân tộc thiểu số, xuất thân từ vùng có điều kiện khó khăn. Vì kế sinh nhai họ phải rời bỏ quê hương tìm vùng đất mới để cuộc sống tốt hơn. Chính vì vậy, giải quyết việc dân di cư tự do ở các địa phương, vùng Tây nguyên, không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế xã hội. Mục đích cuối cùng là để người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau.

"Dân tộc ta là một, đất nước ta có 54 dân tộc anh em. Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết các dân tộc là một nguyên tắc quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nêu lên một số bất cập trong công tác ổn định dân di cư tự do như việc phối hợp chưa tốt giữa các địa phương có dân đi và dân đến; việc tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế. Nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đến công tác này, nhất là bố trí nguồn lực ngân sách để triển khai các dự án ổn định dân cư... Đây là những nguyên nhân khiến trên 100.000 người dân chưa được đăng ký hộ khẩu, 24.500 hộ còn chưa có chỗ ở ổn định và tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.

Trong quản lý đất lâm, nông trường còn tình trạng phát canh thu tô, lãng phí đất đai, thất thoát nguồn lực trong cổ phần hóa. Nhiều dự án của Nhà nước kéo dài nhiều năm nhưng không có vốn thực hiện, ảnh hưởng đời sống của người dân. Rừng đặc dụng và phòng hộ bị xâm hại lớn, khiến diện tích đất rừng bị thu hẹp. Việc giải quyết các tranh chấp đất nông, lâm trường còn kéo dài...

Từ những thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh,Đảng, Nhà nước không khuyến khích di dân tự do, yêu cầu giữ dân tại chỗ bằng cách, ở các vùng phía Bắc tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống người dân để họ gắn với mảnh đất của mình, đặc biệt vùng biên cương xa xôi khó khăn. Chỗ nào dân đã vào rồi thì phải chủ động, tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nơi dân đến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có đất sản xuất, ổn định đời sống, sinh kế, tiếp cận dịch vụ cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội.

"Chính quyền địa phương nơi có dân đến phải có biện pháp quản lý đất đai có nguồn gốc từ lâm, nông trường Tây nguyên để không xảy ra lấn chiếm phức tạp, không để tái diễn các vụ tranh chấp, khiếu nại, dẫn đến các điểm nóng" - Thủ tướng chỉ đạo.

Tại hội nghị này, Thủ tướng nêu một số mục tiêu cụ thể, trong đó, phấn đấu đến năm 2020, giảm nhiều nhất tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện. Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân di cư tự do bằng mức trung bình của các hộ dân nơi cư trú. Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành sắp xếp toàn bộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch.

Còn về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường ở Tây Nguyên giai đoạn 2019-2025, Thủ tướng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Đất và rừng phải có chủ và phải được tiến hành đo đạc rõ ràng hơn...

Từ các mục tiêu đó, Thủ tướng nêu các nhiệm vụ cụ thể, trước hết là thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng chương trình kế hoạch hành động đến đội ngũ cán bộ, các công ty lâm, nông trường. Rà soát lại các chính sách về đất đai, lâm nghiệp và các chính sách về bố trí ổn định dân cư và dỡ bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp.

Để có nguồn vốn thực hiện, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trong 2 năm 2019-2020 cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư khoảng 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó là rà soát, cân đối hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Trong thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu các Bí thư, Chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân về các vấn đề nảy sinh, không để trở thành điểm nóng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về vấn đề này.

"Những năm gần đây tình hình Tây nguyên rất tốt. Tôi ở Gia Lai dự Lễ hội Cồng chiêng Tây nguyên, 35.000 người đến dự, trật tự an toàn tuyệt đối, mình có mừng cho đất nước không? Rất mừng. Chúng ta đừng để còn số ít dân di cư tự do này và khiếu kiện đất ở nông, lâm trường làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của Tây Nguyên, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đừng để “nước đến cổ” mới nhảy sẽ không nhảy nổi. Nhất là vấn đề đất đai dễ bị kích động, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo" - Thủ tướng cho biết.

Để các bộ, ngành và địa phương có cơ sở triển khai các nhiệm vụ, Thủ tướng cho biết, sau hội nghị Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định về giải quyết các vấn đề dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất nông, lâm trường./.

Vũ Dũng/VOV

Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đắk Lắk, dân di cư tự do, di dân,

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập